Trong bài thơ “Thế hệ chúng tôi” của nhà văn Nga Vinokurov từng bộc bạch :

                            “Làm thú vật thánh thần cũng dễ

                             Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu”

     Bởi lẽ trên hành trình làm người ấy có biết bao thử thách, sóng gió, biết bao ngã rẽ trước giao lộ cuộc đời bắt buộc chúng ta đưa ra lựa chọn. Quan trọng nhất đối với con người vẫn là tìm ra lối sống phù hợp để cuộc đời là một bức tranh với những mảnh ghép hoàn chỉnh nhất. Và nhà thơ Êxênhin đã đưa đến thông điệp giá trị dành cho những người đang lạc lối tìm thấy chân lý trong lối sống: 

                                  “Thà tôi cháy vèo trong gió

                                   Còn hơn thối rữa trên cành”

       “Cháy vèo trong gió” là khao khát được trở thành ngọn lửa soi sáng nhân gian dù cho nó có thể tàn lụi trước những cơn gió dữ bất cứ lúc nào. Exenhin đã khéo léo chọn một hình ảnh biểu tượng độc đáo cho mong muốn, khát vọng được sống tận hiến cả tuổi xuân và sức trẻ vì một cuộc đời sống không hoài phí. Đặc biệt nhà thơ gây ấn tượng mạnh với người đọc bằng cách kết nối “thà”- “còn hơn”. Tác giả khẳng định quan điểm của mình không chấp nhận “thối rữa trên cành” - lối sống thụ động, phụ thuộc. Hay nói cách khác nó là cái chết của tâm hồn chỉ chờ thể xác đưa đi. Qua đó, tác giả gửi gắm một thông điệp giá trị với những người du ngoạn trên dòng sông ngôn từ trong những áng thơ hay: hãy sống dũng cảm mạnh mẽ, làm mọi điều làm bản thân hạnh phúc, tự hào và mãn nguyện. Dẫu không thể thành danh như bao người nhưng chúng ta sẽ không bao giờ ân hận về những ngày tháng đã sống hết mình góp nhặt những bông hoa đẹp nhất dâng tặng cho cuộc đời.

              “Cháy” là một hành trình sống đầy ý nghĩa. Nó thôi thúc ta dùng sức nóng của mình để gieo hạt mầm hy vọng, vun vén hạnh phúc lâu bền. Nhiệt từ ngọn lửa nhiệt huyết thắp sáng những ước mơ hóa thành hành động làm nên tên tuổi, vị trí riêng trong trang sử của nhân loại. Nếu Thomas Edison không cháy lên liệu chúng ta có biết đến danh tiếng của thầy phù thuỷ ở Menlo Park hay không? Nếu Harland Sander không cháy lên, liệu chúng ta có biết đến hãng gà rán trứ danh của thế giới hôm nay hay không? Điều làm nên sự vĩ đại của các vĩ nhân chính là họ đã dám “cháy” hết quỹ thời gian ngắn ngủi của mình để tạo nên kỳ tích khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Song không chỉ có những vĩ nhân mới ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng để “cháy”, mỗi người như chúng ta đều có thể. Nhưng chúng ta đều e dè trước một điều, khi chúng ta cháy lên ngay lập tức sẽ bị dập tắt. Ánh sáng huy hoàng không còn, ta lại trở về với bóng tối cô độc. 

           Hãy thử nghĩ xem chúng ta sẽ sống như thế nào trong ngày tháng “thối rữa trên cành”- một cuộc sống tù bí giết chết sức sống của tâm hồn. Khi ấy, con người chỉ sống như những con tằm tự phong bế mình trong chiếc kén chật hẹp, không thể vươn lên và phát triển. Giả định nếu họ có sống cũng chỉ là tồn tại như cánh bèo trôi trên sông lang thang vô định không biết đâu là bến bờ cuối cùng. Chao ôi! Sống như vậy có khác nào tự giam mình trong cái ao đời chật hẹp, tự đóng kín cánh cửa tương lai hay không? Con người sống lâu trong đó dần trở thành cỗ máy được lập trình sẵn, tất cả đều theo sự sắp xếp của người khác. Cuộc sống sẽ mãi là chạy theo vòng luẩn quẩn và ta tự cho rằng đó là sống “đúng nghĩa”. Chúng ta cứ sống trong phẳng lặng, yên ả ấy cho đến hết trữ lượng hữu hạn của cuộc đời để khi rời khỏi “xóm trọ trần gian” mới nuối tiếc nhận ra mình đã phí hoài một kiếp người. 

         Có ai đó từng nói rằng: “Con người sinh ra không phải để tan biến như những hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu chân trên mặt đất và in dấu trong tim người khác”. Vì vậy, thành công của ta có thể không đủ trở thành ngọn lửa vĩnh cửu mãi trường tồn nhưng với một khao khát khắc tên trên “đại lộ danh vọng” thì dù chỉ cần trong một khoảnh khắc cháy hết mình cũng đủ để tạo một dấu chân vào lịch sử. Nelson Mandela - tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi là một ngọn lửa rực cháy nhất trong cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai. Ngay cả khi bị bắt vào tù, ông không cho phép mình ngừng “cháy”. Ông tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của người da màu, dành trọn một phần đời của mình vì dân tộc. Sau này, người dân châu Phi còn nhớ đến ông với danh xưng đầy trân trọng “cha đẻ của nền dân chủ châu Phi”. 

          “Nếu chỉ còn một ngày để sống” là một tựa sách tôi vô cùng yêu thích. Nó gợi cho tôi nhớ về một ngọn lửa “cháy vèo trong gió” nhưng để lại bao âm vang lay động lòng người đó là cô gái Kito Aya - nữ sinh Nhật Bản phải đối diện với bệnh thoái hoá dây sống tiểu não. Cô đã dũng cảm mạnh mẽ sống những ngày trọn vẹn, yêu thương bên mọi người. Cuốn nhật kí “Một lít nước mắt” của cô đầy nghị lực và cảm động đã truyền đến thông điệp mạnh mẽ về giá trị cuộc sống và truyền cảm hứng cho bao người. Khép lại cuốn nhật ký của Aya là hai chữ“cảm ơn”. Cô gái dũng cảm  khơi dậy trong tôi bao suy tư nảy nở thành hoài bão để tôi chọn sống như một ngọn lửa dù có cháy vèo trong gió cũng không còn điều gì luyến tiếc, ân hận.  

       “Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết nhuỵ, còn hơn giữ nguyên nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông” ( Tago ). Con tàu khi neo cảng thì an toàn nhưng nó không phải mục đích người ta đóng tàu giống như con người sống an nhàn không phải là thứ ta mưu cầu. Không phải ai sinh ra cũng mang sứ mệnh trở thành vĩ nhân nhưng cũng đừng sống kiếp phù dung chóng nở, chóng tàn. Vì vậy “Nếu không thể trở thành mặt trời, xin đừng làm áng mây” ( Hoài Nam Tử). Cho dù bạn không thể trở thành “mặt trời” ở vị trí trung tâm đất trời nhưng hãy tự hào khi mình đã là một ngọn lửa thắp sáng chốn nhân gian. 

              Nhà văn Tô Hoài từng thốt lên rằng “Chao ôi! Còn chi buồn hơn, tuổi còn trẻ, đầu còn xanh, gân thì cứng, máu cuồn cuộn với trái tim thiết tha mà đành phải sống theo khuôn khổ bằng phẳng”. Bạn đang cháy hết mình để sống hay chỉ tồn tại như một lữ khách vô danh trong chốn tạm bợ mang tên cõi trần này? Bạn chọn là ngọn lửa “cháy vèo trong gió” hay cuộc sống “thối rữa trên cành”?