Đoạn trích trên mang một thông điệp sâu sắc mà người đọc ai cũng có thể dễ dàng tìm ra ngay sau khi đọc là: “Bỏ đi những thói quen làm xói mòn quan hệ, bạn sẽ làm phong phú toàn bộ cuộc sống”. Hay nói một cách khác là chúng ta cần thay đổi thói quen của mình theo hướng tích cực trong các mối quan hệ. 

  Và bạn có biết những thói quen làm xói mòn mối quan hệ không? Đó là những thói quen xấu luôn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta và không ai là không có, hơn hết nhờ những thói quen ấy mà chúng ta bị mọi người xa lánh ghét bỏ và có thể gọi chung là “xói mòn quan hệ”. Những thói quen ấy đã được vị tác giả trong đoạn trích kia nói rất rõ: “ tính nóng nảy”, “luôn luôn muốn làm theo ý mình” và sự hơn thua tranh cãi không chịu nhường nhịn trong một vấn đề. 

   Đầu tiên chúng ta có thể kể đến tính nóng nảy bởi nó là một thói quen làm xói mòn mối quan hệ lớn nhất “đứng đầu danh sách”. Nóng nảy là biểu hiện của một người khó kiềm chế cảm xúc, dễ mất bình tĩnh trong một mối quan hệ. Mà bạn biết đấy trong một mối quan hệ hai người mà có một người mất bình tĩnh lớn tiếng thì thật khó mà không xảy ra tranh cãi đôi bên dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Chúng ta vốn vẫn hay thường nghe qua đài phát thanh hoặc mạng xã hội về nhiều vụ việc gây tranh cãi mà đôi bên mất đi tình cảm vốn có của mình, từ một người bạn thân có thể thành kẻ xa lạ thậm chí kẻ thù. Và hơn thế nữa cái tính nóng nảy của một cá nhân nào đó thôi đôi khi còn phải trả giá bằng những cái giá rất đắt, những vụ việc thương tâm mà không ai mong muốn. Có thể thấy tính nóng nảy như một quả bom nổ chậm bên trong mỗi chúng ta, nếu không kìm chế được nó thì hậu quả mà nó gây ra rất lớn, đơn thuần có thể gây mâu thuẫn mất hết tình cảm gia đình bạn bè người thân và thậm chí nghiêm trọng còn khiến chúng ta mất đi vĩnh viễn mối quan hệ tốt đẹp mà ta từng có. Đến đây hẳn có nhiều bạn sẽ hỏi: “Liệu có cách nào khắc phục tính nóng nảy không ?” Có rất nhiều cách khắc phục tính nóng nảy và trong đoạn trích có đề cập đến hai phương pháp hiệu quả nhất “Một cách thức để làm dịu đi là đếm tới mười khi bạn cảm thấy nổi nóng. Một cách khác nữa là kiểm soát hơi thở, hoặc tập trung tâm trí vào chuyện khác như ném bóng, chạy bộ, chơi đàn”. Và mỗi ngày mỗi giờ hay mỗi khi nóng nảy cần thực hiện hai phương pháp trên ngay. Có 1 điều chắc chắn là bạn sẽ chẳng bao giờ nóng nảy nữa nếu như bạn là người kiên trì muốn thay đổi bản thân theo hướng tích cực.

   Bạn có khi nào làm một bài tập toán rất lâu cho đến khi có kết quả chưa? Và lúc ra kết quả hẳn ai cũng rất vui và luôn cho rằng vậy là đúng rồi, mình đã làm được. Nhưng chỉ không may thôi có ai đó bảo bạn “nó sai rồi!” thì hẳn việc đầu tiên ai cũng cảm thấy khó chịu bởi “làm sao mình sai được chứ? Mình làm tỉ mỉ đến vậy mà?” và trong phút chốc bạn đã không lắng nghe hay để họ giải thích bất cứ điều gì mà kệ họ cho mình đã làm đúng. Đến khi thầy chữa thì kết quả của mình đã sai và bạn cảm thấy mình đã sai thì đã quá muộn màng mất rồi. Và chúng ta biết đấy việc làm theo ý mình không chịu lắng nghe ý kiến người khác sẽ chỉ khiến bạn trở nên ngông cuồng hơn, luôn cho ý kiến của mình là hàng đầu. Đến khi thất bại thì thật thảm hại. Không chỉ dừng lại ở trong việc ta đang làm mà trong mối quan hệ cũng vậy, nếu ta cứ khăng khăng làm theo ý mình thì sẽ chẳng còn lấy một ai dám tin tưởng và đồng tình với ta mãi nữa. Hậu quả là ta vừa bị mọi người xa lánh và được tặng thêm danh hiệu “bảo thủ”, chính cái thói quen ấy mà ta luôn thất bại trong công việc. Có thể thấy đó là một thói quen xấu mà ta không nên có. Để khắc phục điều này ta cần cởi mở hơn trong tính cách của mình. Khi cởi mở lòng ra và sẵn sàng lắng nghe quan điểm người khác, bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn về bối cảnh hiện có từ đó ta biết nhìn nhận vấn đề hơn hết biết cách hòa đồng đoàn kết với mọi người hơn, nhờ đó trong công việc sẽ thành công hơn.

   Cuối cùng là thói tưởng chừng như bình thường nhưng lại rất quan trọng trong mối quan hệ “xin lỗi một cách chân thành và kết thúc những xung đột nhỏ trong cuộc sống hàng ngày”. Nói dễ hiểu thì xin lỗi mà cách chúng ta nhận lỗi khi làm một việc gì đó không đúng với người khác. Nó còn là phép lịch sự tối thiểu của một con người, từ một câu nói xin lỗi đơn giản ta cũng có thể hiểu phần nào về họ. Khi ta biết mở lời xin lỗi thì mọi lỗi lầm gây ra đều như được giải quyết đi phần nào, vẫn giữ được mối quan hệ tốt lành như lúc đầu. Lời xin lỗi dễ nói là vậy nhưng không phải ai cũng biết nói câu xin lỗi khi gây ra lỗi lầm một cách hợp lí để được tha thứ mà khi nói lời xin lỗi lại thờ ơ, mặc kệ người bị tổn thương. Điều đó sẽ làm các mối quan hệ dần xấu đi, đánh mất những người xung quanh và trở thành một kẻ cô độc. Chính vì thế lời xin lỗi khi ta thốt ra là phải bắt đầu từ sự chân thành của một con người biết lỗi thật sự, dám làm dám chịu trách nhiệm với những gì gây ra. Và đối với một lời xin lỗi chân thành, một hành động tử tế như vậy thì chẳng mấy ai mà không ấm lòng và bỏ qua mọi lỗi lầm. Chính vì vậy mà có thói quen xin lỗi một cách chân thành và kết thúc những xung đột nhỏ trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp chuẩn bị đối phó hữu hiệu với những sai lầm nghiêm trọng trong tương lai.

   Quả thật có một thói quen tốt thì ta sẽ có một mối quan hệ với mọi người bền chặt gắn kết. Vậy nên chúng ta cần phải tự rèn luyện những thói quen tốt của chính bản thân mình ngay từ hôm nay “không nóng nảy, cởi mở luôn lắng nghe ý kiến người khác, một lời xin lỗi chân thành khi làm trái dù là nhỏ nhất” để mai này trở thành một con người tốt có ích cho xã hội. Là một học sinh em luôn tích cực rèn luyện các thói quen tốt của mình để giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn từng ngày. Hơn hết em luôn cố gắng tuyên truyền cho mọi người xung quanh các thói quen tốt để mọi người học tập theo.