Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Ông Tư Mốt(1) chỉ cái dải xanh mù mù trong mưa, bảo cù lao(2) Mút Cà Tha kìa. Văn ờ, nói thấy xa quá chú ha. Ông cười, gạt ngang, xa gì, đây tới đó mấy hồi. Rồi chiếc xuồng máy nhỏ mong manh dập dờn đi trong giông gió. Người thành phố ngồi ngấm cái “mấy hồi” của ông già, mừng tủi thấy màu xanh cây cỏ cù lao đã thẫm trước mắt (mà sau mới biết mình mừng hụt). Mưa dịu lại, hạt nhỏ rức nhưng gió mạnh lên, thổi xà quần(3), không biết đâu là chiều hướng. Ông Tư quăng cho Văn cái can nhựa còn ít xăng, bảo, tới khúc “mứt” nghen, coi chừng lật xuồng. Mà, có kịp coi gì, Văn thấy mình ngã ập xuống nước, hành lý trôi mất, lên tới bờ anh chỉ còn trụi trơ bộ đồ đang mặc. Ông Tư kè chiếc xuồng vô sau, giậm chân giậm cẳng bứt đầu gãi tóc như thể mình vừa lỡ tay làm nên cơn giông chiều nay. Bởi ông biết rằng, mưa gió kia, sóng nước mênh mông kia và cả màu chiều đang lịm dần kia sẽ làm cho người bác sĩ trẻ này thất vọng. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.
Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi. Mút Cà Tha nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẽn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt. Ngó sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều… Từ mé rừng mắm chống lở đất phía bên nầy, đi hết vườn cây nầy gặp được một căn nhà thì lại tiếp đến vườn cây trái khác. Cuối cùng là bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất. Bóng người ẩn hiện dọn cỏ dưới các gốc cây. […]
(Trích Thương quá rau răm, Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, 2020, tr.17-18)
* Chú thích:
(1) Ông Tư Mốt (ông Tư): Là trưởng ấp Mút Cà Tha.
(2) Cù lao: Khoảng đất nằm ở giữa sông do bồi đắp của dòng chảy lâu ngày và có cây cối mọc nhiều.
(3) Xà quần: Tiếng lóng ở vùng Nam Bộ, chỉ hành động lặp đi lặp lại, loay hoay, quanh quẩn trong một không gian nhỏ.
Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích.
Câu 2. Cụm từ người thành phố trong đoạn trích dùng để chỉ nhân vật nào?
Câu 3. Trình bày tác dụng của thành phần biệt lập trong câu văn sau: Người thành phố ngồi ngấm cái “mấy hồi” của ông già, mừng tủi thấy màu xanh cây cỏ cù lao đã thẫm trước mắt (mà sau mới biết mình mừng hụt).
Câu 4. Ông Tư kè chiếc xuồng vô sau, giậm chân giậm cẳng bứt đầu gãi tóc như thể mình vừa lỡ tay làm nên cơn giông chiều nay. Bởi ông biết rằng, mưa gió kia, sóng nước mênh mông kia và cả màu chiều đang lịm dần kia sẽ làm cho người bác sĩ trẻ này thất vọng. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.
Những câu văn trên giúp em hiểu gì về tâm trạng của nhân vật ông Tư?
Câu 5. Từ cảm nhận của nhân vật ông Tư về cù lao Mút Cà Tha trong đoạn trích, em có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa con người và mảnh đất quê hương?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Ngôi kể trong đoạn trích: Ngôi thứ ba.
Câu 2. (0.5 điểm)
Cụm từ người thành phố dùng để chỉ nhân vật Văn.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Học sinh chỉ ra được thành phần biệt lập: Thành phần phụ chú (chêm xen): (mà sau mới biết mình mừng hụt).
- Học sinh trình bày được tác dụng của thành phần biệt lập trong câu văn: Bổ sung thông tin cho thành phần đứng trước, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật Văn: Niềm vui mừng khi sắp đến cù lao Mút Cà Tha hóa ra là mừng hụt.
Câu 4. (1.0 điểm)
Học sinh nêu được tâm trạng của nhân vật ông Tư:
- Bối rối, bực bội, tự trách mình (giậm chân giậm cẳng bứt đầu gãi tóc).
- Lo lắng Văn sẽ vì những trải nghiệm ban đầu không tốt (bị ngã, trôi hết đồ đạc,...) mà thất vọng, không có cảm tình với đất Mút Cà Tha rồi bỏ đi giống như năm người bác sĩ trước đó.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS nêu được cảm nhận của ông Tư về Mút Cà Tha: Trong cảm nhận của ông Tư, Mút Cà Tha là vùng đất nghèo và buồn nhưng vô cùng gắn bó với bản thân ông.
- Học sinh trình bày được suy nghĩ của mình về mối quan hệ giữa con người với mảnh đất quê hương. Có thể theo hướng: Con người và mảnh đất quê hương có mối quan hệ gắn bó thiêng liêng; con người nhân nghĩa là con người biết yêu thương, gắn bó, lo lắng cho quê hương mình;…
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đặc điểm nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Bạn hãy nhớ rằng: đừng bao giờ hoài nghi. Dù bất cứ giá nào bạn cũng phải tin tưởng.
(Theo Osho, Luận về cuộc đời (Lê Tuyên dịch), NXB Hồng Đức, 2020, tr.39)
Em có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày quan điểm của mình.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: Bảo đảm yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc điểm nghệ thuật của đoạn trích.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và bằng chứng trên cơ sở đảm bảo một số nội dung sau:
- Ý c1: Học sinh nêu được một số nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật của đoạn trích:
+ Người kể chuyện ở ngôi thứ ba đem lại một cái nhìn bao quát, khách quan, chân thực về con người và khung cảnh miền đất cù lao.
+ Nghệ thuật khắc họa nhân vật: Chú trọng miêu tả nội tâm nhân vật (tâm trạng tự trách, lo âu của nhân vật ông Tư khi Văn bị ngã).
+ Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, mang đậm màu sắc phương ngữ Nam Bộ (xà quần, ha, nghen, nầy,…).
+ Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, đượm buồn.
+ Những chi tiết miêu tả thiên nhiên, khung cảnh cù lao tinh tế, tỉ mỉ (cái dải xanh mù mù trong mưa, mưa dịu lại, hạt nhỏ rức nhưng gió mạnh lên, bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất, bóng người ẩn hiện dọn cỏ dưới các gốc cây,…).
+ Kết hợp hài hòa giữa tự sự, miêu tả, biểu cảm (Ngó sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều…).
+ …
- Ý c2: Học sinh nêu được ý nghĩa, vai trò của các phương diện nghệ thuật trong đoạn trích. (Có thể theo hướng: Góp phần khắc họa rõ hình tượng nhân vật ông Tư Mốt và khung cảnh Mút Cà Tha bình dị, gần gũi mà u buồn; bộc lộ tình yêu quê hương đất nước và quan niệm của tác giả về mối quan hệ gắn bó giữa con người và quê hương.)
d. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Đảm bảo bố cục của bài văn nghị luận: Bảo đảm yêu cầu về bố cục của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của niềm tin.
c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu: Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Dưới đây là một số ý tham khảo, phục vụ cho công tác chấm bài:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
* Thân bài:
- Giải thích:
+ Hoài nghi: Nghi ngờ, không tin vào một người hoặc một điều gì đó.
+ Tin tưởng: Đặt niềm tin, hi vọng vào một người hoặc một điều gì đó.
=> Ý kiến khẳng định con người không nên hoài nghi mà phải luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống.
- Học sinh nêu quan điểm của bản thân:
NẾU ĐỒNG TÌNH:
+ Lí giải tại sao không nên hoài nghi mà cần phải giữ vững niềm tin:
++ Con người luôn cần phải có niềm tin vào một điều gì đó để làm điểm tựa. Thời đại ngày nay, xã hội nhiều biến động, con người cần có niềm tin để không đánh mất phương hướng và đánh mất chính mình.
++ Niềm tin giúp con người có động lực, sức mạnh vượt qua những khó khăn thử thách; giúp phát huy cực độ năng lực, sở trường của con người; giúp lan tỏa năng lượng tích cực, được mọi người yêu mến, tôn trọng; giúp con người xích lại gần nhau; góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết, nhân văn, phát triển;…
+ Đề xuất những việc cần làm để giữ được niềm tin vào con người và cuộc sống: Luôn giữ thái độ tỉnh táo để đặt niềm tin đúng chỗ; nhìn con người và cuộc sống bằng đôi mắt lạc quan, bao dung; chia sẻ yêu thương để thấy được những điều tốt đẹp trong cuộc đời;…
+ Mở rộng vấn đề:
++ Tin tưởng vào một điều gì đó không có nghĩa là mù quáng, đánh mất lí trí. Đôi lúc cũng cần biết hoài nghi để hiểu rõ bản chất vấn đề.
++ Phản bác quan điểm sai lầm về vấn đề (nếu có).
NẾU KHÔNG ĐỒNG TÌNH:
+ Lí giải tại sao cần phải hoài nghi và không nên tin tưởng bằng bất cứ giá nào:
++ Con người có tốt - xấu, thiện - ác, xã hội hiện đại vô cùng phức tạp, cần phải biết hoài nghi để không trở nên mù quáng, tránh gặp phải sự phản bội, lừa dối hay thất bại;
++ Sự hoài nghi giúp con người luôn giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt để biết được bản chất của vấn đề; là nguồn gốc của sự sáng tạo, đổi mới; là con đường để đi đến chân lí và sự thật;…
+ Đề xuất những việc cần làm để biết cách hoài nghi, tránh tin tưởng mù quáng: Luôn giữ thái độ tỉnh táo để đặt niềm tin đúng chỗ; học cách bình tĩnh để suy xét vấn đề; học tập, trải nghiệm để tăng cường vốn sống, tri thức;…
+ Mở rộng vấn đề:
++ Hoài nghi không có nghĩa là đa nghi hay hoàn toàn đánh mất niềm tin vào cuộc đời.
++ Phản bác quan điểm sai lầm về vấn đề (nếu có).
* Kết bài: Khẳng định lại vấn đề, rút ra bài học nhận thức và hành động.
d. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.