Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
ÔNG TIÊN ĂN MÀY(1)
Nguyễn Ất là một người thôn nọ, không nhớ ở xóm nào, thuở nhỏ mô côi cả cha lẫn mẹ, được anh nuôi. Anh là Giáp tham lam, bủn xỉn, không yêu thương em, chị dâu cũng tàn ác hung bạo. Khi Ất lớn ra ở riêng, tài sản của cha bị anh chị chiếm hết. Ất chỉ được một mảnh ruộng cằn với gian nhà nát mà thôi. Nghèo đói quá, Ất phải đi làm mướn, kiếm củi để sống qua ngày. Năm ngoài hai mươi tuổi, Ất nghèo không lấy nổi vợ, anh không đoái hoài đến mà em cũng chẳng muốn hỏi xin.
Làng bên có một ông nhà giàu. Ất thường làm mướn ruộng cho nhà ấy, lâu dần thành quen. Phú ông có một khoảnh đất bỏ hoang, Ất xin đến ở, bèn gánh cả cơ nghiệp dọn đến. Từ đấy, càng xa cách Giáp, năm hết tết đến cũng chẳng hỏi han gì đến nhau.
Ất tuy nghèo nhưng hay làm điều thiện, gặp ai bần cùng đều chia sẻ cho họ. Một hôm anh đi làm thuê, chiều tối về thấy một người nằm giữa cửa, lay thì người ấy rên không dậy được. Thắp đèn lên soi thì thấy một ông già gầy guộc, ốm yếu, mắt nhèm, mũi dãi tanh hôi dị thường, nôn mửa, phân vung vãi khắp ngoài cửa. Ất vực dậy hỏi han, ông già nói là người thôn bên, nghèo ốm phải đi ăn xin, tối đến đây mệt quá, xin nhờ một xó nằm nghỉ cho hết đêm. Ất mở cửa đỡ vào, rót nước nóng cho uống, ông già hơi tỉnh, bèn chải chăn chiếu cho nằm; thổi nấu xong gọi ông già cùng ăn. Ông già ốm yếu mà ăn thật khoẻ, ăn hết hơn một đấu gạo còn kêu đói. Ất sẻ thức ăn sang cho ông cụ. Lúc lâu sau, ông cụ mới xoa bụng nói:
Lão no rồi. Thằng con lão hư đốn không biết hiếu thuận, nếu lão có được người con như cháu thì thật là mãn nguyện.
Rồi ông lão nằm duỗi dài ra, ngủ thì ngáy như sấm, tỉnh thì ho hắng khạc nhổ, ầm ĩ cả đêm, song Ất không hề tỏ ra khó chịu. Sáng hôm sau, ông già trở dậy, Ất lại sửa soạn mâm bát. Ông già ngăn lại nói:
Cháu hay làm việc thiện thì không đáng phải nghèo. Ơn một bữa cơm lão không thể không báo đáp.
Rồi lấy chậu hứng dưới mũi, ngoảnh lại bảo Ất:
Lấy cán muôi đập vào mũi lão đi!
Ất không chịu, ông già nài ép, Ất đành đập mấy cái, máu chảy ra, Ất sợ quả dừng tay lại nhưng ông già bảo cứ đập tiếp. Khi máu thôi chảy thì thấy vàng ùn lên từ đáy chậu, lát sau đã đầy. Ông già quay lại bảo Ất:
Giữ lấy chỗ vàng này có thể làm giàu được rồi đấy! Cháu hãy gắng làm điều thiện, đừng giảm sút nhé!
Ất kinh ngạc lạy tạ, lúc ngẩng đầu lên thì cụ già đã đi rồi. Ất được vàng, nhưng giấu kín, vẫn đến ông nhà giàu vay tiền, nói là để đi buôn. Anh bỏ vàng vào đãy, mang lên kinh mua hàng đem về bán. Một năm đi ba bốn chuyến, mới dùng hết nửa số vàng mà tiền đã được hàng vạn vạn, anh bèn từ biệt ông nhà giàu về quê, chuộc lại căn nhà cũ, dần dà mua thêm ruộng, mượn người phá nhà cũ làm nhà mới, trở nên giàu có nhất làng. Sau đó Ất đến nhà người anh, nhờ anh hỏi con gái nhà thế tộc làm vợ.
Lúc đầu Ất về quê đến chào anh chị, vợ chồng Giáp đối xử nhạt nhẽo. Lâu cũng không thèm sang thăm, bỗng nghe nói người em giàu sụ, lấy làm lạ bèn đến xem. Khi tới nơi thấy gian nhà nát trên mảnh đất xưa kia đã được xây thành căn nhà lớn, sắp sửa làm xong. Em lại còn mua mấy mẫu ruộng xấu của một nhà hàng xóm liền kề, phát quang gai góc làm vườn, thợ thuyền, đầy tớ vận chuyển gỗ đá nối nhau không dứt. Anh chị kinh ngạc quá, hỏi em nguyên do, Ất kể kĩ lại những điều đã gặp, anh chị hâm mộ mãi, hỏi kĩ tuổi tác, hình dạng ông già để còn đi tìm.
Hơn một năm sau, người anh từ ngoài về vừa lúc có một ông già đội mũ vàng, mặc áo bào rách co ro đi qua cửa. Hai vợ chồng Giáp tranh nhau kéo vào nhà, ép ngồi ghế trên, chẳng kịp hỏi rõ ông ta từ đâu đến. Rồi mổ gà, thổi xôi, chặt cá làm gỏi, cung phụng rất hậu. Ông già khép nép không dám nhận, vợ chồng Giáp đối xử theo lễ càng cung kính, lại nói:
- Tiên ông cứ lấy hết trong lỗ mũi ra thì cả đời đệ tử này ăn tiêu cũng không hết.
Sáng hôm sau, ông cụ vái chào xin đi, không tặng lại gì cả. Giáp giữ lại, không cho về, lấy cái nón lớn đặt trước mặt ông cụ, cắm cái dùi to vào Ông già hoảng hốt che đỡ. Giáp nói:
- Tiên ông không hiểu biết gì cả. Đệ tử không xin nhiều. Vàng cứ đầy này là được.
Tức thì sai vợ giữ quật tay ông lão, còn mình ra sức gõ vào sống mũi ông vừa chọc máu đã chảy ra. Giáp mừng rỡ nói:
- Quả như lời chú hai nói, vàng sắp thành rồi.
Liên tiếp đánh đến nỗi mũi ông cụ vỡ ra, rụng cả răng, khiến ông cụ phải hô cứu mạng. Hàng xóm tứ bề kéo đến, không hiểu duyên cớ là gì. Hỏi thì chồng Giáp giận dữ không chịu nói, hỏi ông cụ mới biết tường tận nhưng ông cụ cũng không hiểu vì sao trước thì cung kính sau lại hung tợn như thế. Ông lão vốn là người bán tương ở thôn bên. Giáp ngày thường bủn xỉn, cả làng đều ghét nên có người chạy đi báo với con trai ông cụ. Anh con trai trước đó thấy cha mãi không về, đang lo đi tìm hỏi, nay hay tin giận lắm, tức khắc cùng người làng đưa cả ông cụ và vợ chồng Giáp lên quan. Quan cho rằng đánh tàn nhẫn một người lớn tuổi như thế thì phải đền tiền tạ tội theo luật, lại nọc vợ chồng Giáp ra đánh mấy chục hèo(2), mông nát cả thịt ra.
(Trích Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh(3), in trong Truyện truyền kì Việt Nam, Quyển hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009)
Chú thích:
(1) Ông tiên ăn mày được rút trong Lan Trì kiến văn lục - một tập truyện truyền kì bằng chữ Hán do Vũ Trinh biên soạn, bao gồm nhiều câu truyện ngắn, kể về các sự kiện lịch sử, các nhân vật, phong tục, và những hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong xã hội thời đó.
(2) Hèo: cây họ cau, thường dùng làm gậy.
(3) Vũ Trinh (1759 - 1828), nhà văn nổi tiếng của Việt Nam trong thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn, nổi tiếng với tác phẩm Lan Trì kiến văn lục. Ông cũng sáng tác nhiều văn thơ thể hiện tư tưởng đạo Nho, đồng thời còn là một học giả tinh thông nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, và triết học.
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể của văn bản trên.
Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra cách tác giả đã sử dụng để dẫn lời nói của nhân vật trong các câu in đậm sau:
Ông già ngăn lại nói:
- Cháu hay làm việc thiện thì không đáng phải nghèo. Ơn một bữa cơm lão không thể không báo đáp.
Câu 3. (1,0 điểm) Vì sao vợ chồng nhân vật Giáp không được ông già đội mũ vàng, mặc áo bào rách ban tặng vàng?
Câu 4. (1,0 điểm) Nêu ngắn gọn chủ đề của của văn bản.
Câu 5. (1,0 điểm) Hình ảnh hai anh em Giáp, Ất trong văn bản trên khiến em liên tưởng tới truyện cổ tích Việt Nam nào mà em đã học, đã đọc? Vì sao có sự liên tưởng đó? (Trả lời trong 3-5 câu)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0,5 điểm)
Ngôi kể: Ngôi thứ ba.
Câu 2. (0,5 điểm)
Cách tác giả đã sử dụng để dẫn lời nói của nhân vật trong các câu in đậm: Cách dẫn trực tiếp.
Câu 3. (1,0 điểm)
Vợ chồng nhân vật Giáp không được ông già đội mũ vàng, mặc áo bào rách ban tặng vàng: Ông lão chỉ giúp đỡ những người sống thiện, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người và chăm chỉ làm lụng. Ngược lại, vợ chồng Giáp lại là người tham lam, bủn xỉn, không yêu thương anh em, lại tàn bạo, nham hiểm.
Câu 4. (1,0 điểm)
Chủ đề văn bản: Người hiền gặp lành, người ác ắt gặp quả báo.
Câu 5. (1,0 điểm)
- Hình ảnh hai anh em Giáp, Ất trong văn bản trên khiến em liên tưởng tới truyện cổ tích Việt Nam: Cây khế.
- Lí do: Hai truyện đều có điểm tương đồng khi kể về hai anh em, người anh ích kỷ và tham lam, người em chịu nhiều thiệt thòi nhưng luôn sống lương thiện và được giúp đỡ, trả ơn theo cách thần kì. Người anh học đòi theo nhưng phải nhận quả báo cay đắng.
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích yếu tố kì ảo trong văn bản Ông tiên ăn mày được trích dẫn ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4,0 điểm) Hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ thiếu sự kết nối với người thân trong gia đình. Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) về vấn đề: Làm thế nào để xây dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân - hợp,...
- Đảm bảo bố cục ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Đây chỉ là một đoạn trong bài văn phân tích tác phẩm văn học. HS không biến thành bài văn thu nhỏ.
b. Xác định yêu cầu về mặt nội dung:
* Đoạn văn phân tích yếu tố kì ảo trong văn bản Ông tiên ăn mày.
- Mở đoạn: Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả; khái quát ý nghĩa yếu tố kì ảo thể hiện trong văn bản.
- Thân đoạn: Phân tích yếu tố kì ảo trong văn bản Ông tiên ăn mày.
Gợi ý:
+ Yếu tố kì ảo: Người em Ất được ông tiên ăn mày giúp đỡ.
+ Ý nghĩa:
- Yếu tố kì ảo nhấn mạnh sự đối lập giữa lòng tốt, sự chân thành với lòng tham lam, độc ác; đồng thời truyện gửi gắm thông điệp rằng những người làm việc thiện, dù trong hoàn cảnh khó khăn, sẽ nhận được những điều tốt lành, còn những kẻ tham lam, độc ác sẽ bị trừng phạt.
- Yếu tố kì ảo, hoang đường giúp câu chuyện được kể thêm li kì, hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của người đọc.
- Kết đoạn: Khái quát vấn đề.
* Đoạn văn phải sử dụng lí lẽ, bằng chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề trên.
c. Hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Xác định được các ý phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các các yêu cầu sau:
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, đúng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận.
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Đọc văn bản và xác định đúng vấn đề nghị luận
(Vấn đề nghị luận được phát hiện trong quá trình đọc sẽ thể hiện bằng cách tích hợp trong bài nghị luận ở phần nội dung nghị luận và không cần trả lời bằng câu trả lời riêng).
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
- Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề thành các luận điểm rõ ràng, cụ thể.
- Về nội dung: Xác định, phân tích được vấn đề cần giải quyết và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, thuyết phục.
- Về hình thức: Lập luận chặt chẽ, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.
Bố cục bài viết cần đảm bảo:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận
- Giải thích vấn đề nghị luận: Thiếu kết nối với gia đình là gì? Xây dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương trong gia đình là gì?
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Thực trạng: Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, việc kết nối mọi người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều bạn trẻ dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động trên mạng xã hội, mà quên mất những giá trị truyền thống, tình cảm gia đình.
+ Nguyên nhân: sự cách biệt về tuổi tác, thế hệ; cha mẹ và con cái không hiểu nhau; khoa học công nghệ phát triển, con cái ham mê các trò chơi tiêu khiển, giải trí trên mạng,…
+ Hậu quả:
- Làm giảm đi sự gắn bó và tình cảm yêu thương giữa các thành viên.
- Người trẻ luôn lạc lõng, thiếu kết nối, chỗ dựa tinh thần, dẫn đến nhận thức và hành động sai trái.
- Các giá trị đạo đức, truyền thống không còn được gìn giữ nếu mối liên hệ giữa các thế hệ bị đứt gãy.
+ Nêu quan điểm phản đối một số người coi nhẹ vai trò của gia đình và sự kết nối của các thành viên trong cuộc sống hiện đại.
+ Cách xây dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương giữa các thành viên:
- Xây dựng không gian gia đình gần gũi, chia sẻ, lắng nghe.
- Thể hiện tình cảm một cách chân thành.
- Tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt.
- Cùng nhau xây dựng những kỉ niệm đẹp.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
Học sinh có thể có nhiều cách hiểu khác nhau miễn sao lập luận hợp lí, thuyết phục.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu:
Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt, dùng từ, đặt câu, diễn đạt mạch lạc.
e. Sáng tạo:
Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Lưu ý:
- Khuyến khích và trân trọng những bài làm có sự sáng tạo và giọng điệu riêng.
- Chấp nhận cách kiến giải khác nhau về vấn đề kể cả không có trong hướng dẫn chấm miễn là hợp lý và thuyết phục.
Tổng điểm toàn bài là 4,0 điểm có thể cho điểm lẻ đến 0,25 điểm. Việc chi tiết hóa điểm số phải có sự thống nhất trong tổ chấm thi đảm bảokhông có sự sai lệch với tổng điểm của mỗi câu.