Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình SVIP
(4,0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
TRƯA HÈ
Anh Thơ
Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa,
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.
Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy,
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu...
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu.
Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ,
Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay.
Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ
Của vài người cỡi ngựa đến xua ngay.
(Trích Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân, NXB Văn học, 1998, tr.191-192)
* Chú thích: Nữ thi sĩ Anh Thơ (1918 - 2005), tên khai sinh là Vương Kiều Ân, bút hiệu Tuyết Anh. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức nhỏ, xuất thân Nho học ở tỉnh Hải Dương. Thơ của bà thiên về tả cảnh bình dị, quen thuộc (bờ tre, con đò, bến sông) với những nét vẽ chân thực, tinh tế, thấm đượm một chút tình quê đằm thắm pha chút bâng khuâng buồn của Thơ Mới.
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Ghi lại những hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên buổi trưa hè trong bài thơ.
Câu 3. Những hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ cho thấy điều gì?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong những dòng thơ sau:
Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ,
Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay.
Câu 5. Qua bài thơ, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc những thông điệp gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0,5 điểm)
Thể thơ: Tám chữ.
Câu 2. (0,5 điểm)
Những hình ảnh miêu tả bức tranh thiên nhiên buổi trưa hè trong bài thơ: “Trời trong biếc”, “Gió nồm nam lộng thổi”, “Hoa lựu nở”, “vườn đỏ nắng”, “Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua”, “tiếng gà xao xác gáy”, “Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay”,...
Câu 3. (1,0 điểm)
Những hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ cho thấy:
+ Vẻ đẹp thiên nhiên làng quê vào buổi trưa hè.
+ Sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn nhà thơ.
+ Sự gần gũi, gắn bó, tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu quê hương đất nước của tác giả.
Câu 4. (1,0 điểm)
- Biện pháp tu từ nhân hóa: “chuồn chuồn giỡn nắng”.
- Tác dụng:
+ Làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sống động, có hồn; gợi khung cảnh thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam; thể hiện sự gần gũi, gắn bó và tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.
+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ.
Câu 5. (1,0 điểm)
Thí sinh đưa ra những thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Ví dụ:
+ Vẻ đẹp yên bình của làng quê.
+ Cuộc sống đời thường có phần buồn tẻ của người dân quê.
+ Tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và nỗi buồn man mác về thân phận con người.
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em về bài thơ Trưa hè của tác giả Anh Thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4,0 điểm)
Hiện nay, việc lạm dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên đã gây ra nhiều tác động tiêu cực. Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) đề xuất những giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, song song hoặc phối hợp.
b. Xác định đúng đối tượng cần ghi lại cảm nghĩ:
Ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Trưa hè của tác giả Anh Thơ.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Xác định được các ý phù hợp để làm rõ nội dung biểu cảm.
Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:
- Cảm nghĩ về nội dung bài thơ:
+ Bức tranh thiên nhiên bình dị, gần gũi mà vô cùng tươi đẹp, thanh bình ở làng quê Việt Nam xưa trong một buổi trưa hè. Hình ảnh “trời trong”, “mây trắng”, “gió nồm nam”, “hoa lựu” nở đỏ rực, “bướm vàng” bay lượn, âm thanh tiếng gà gáy,… gợi vẻ đẹp tươi sáng, yên ả chỉ có ở chốn làng quê.
+ Cuộc sống đời thường của người dân quê: Hình ảnh những người già “đưa võng hát”, “thiu thiu”, những đứa trẻ “nguồi buồn lê bắt chấy”,… gợi sự đơn điệu, lam lũ, nghèo khó, mang những nỗi buồn man mác trong cuộc sống của người dân quê.
+ Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ với thiên nhiên, cuộc sống chốn làng quê: Sự trân trọng và tình yêu, niềm say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê; sự gần gũi, đồng cảm trước cuộc sống của người dân nghèo; nỗi buồn phảng phất trước cuộc sống nghèo, buồn và đơn điệu của con người,…
- Những nét nghệ thuật tiêu biểu của bài thơ: Thể thơ tám chữ; từ ngữ giản dị, trong sáng; hình ảnh quen thuộc, giàu sức gợi; các biện pháp tu từ nhân hóa, liệt kê,… được sử dụng hiệu quả trong việc tái hiện khung cảnh và gợi cảm xúc trong lòng người,…
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận xã hội:
Bảo đảm yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Những giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng lạm dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên hiện nay.
c. Viết được bài văn nghị luận bảo đảm các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
* Thân bài:
- Giải thích vấn đề: Lạm dụng mạng xã hội là việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội một cách quá mức, không hợp lý, dẫn đến các tác động tiêu cực về sức khỏe, tâm lý và các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày.
- Phân tích vấn đề:
+ Thực trạng: Dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội; tránh xa các mối quan hệ thực tế; tự so sánh bản thân với người khác; tin vào những thông tin thiếu kiểm chứng;…
+ Nguyên nhân: Do sự dễ dàng và tiện lợi của mạng xã hội, tính tương tác cao và sự lan tỏa thông tin nhanh chóng; do thiếu kỹ năng quản lý thời gian và tự kiểm soát bản thân; cảm giác cô đơn và thiếu kết nối xã hội; việc chạy theo xu hướng muốn được chia sẻ cuộc sống cá nhân;…
+ Hậu quả: Lãng phí thời gian; ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần như các vấn đề về thị lực, giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, mất tập trung; ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, nhận thức và hành động khi tiếp xúc với thông tin xấu độc, bạo lực, sai lệch; ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp; dễ ảo tưởng về bản thân, tự ti, chán nản;…
+ Nêu ý kiến trái chiều và phản bác.
- Giải pháp khắc phục:
+ Cá nhân: Nâng cao nhận thức, hiểu biết về mạng xã hội; quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý; cần biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận trên mạng xã hội; tăng cường giao tiếp trực tiếp mọi người;…
+ Gia đình: Quan tâm, sẻ chia, lắng nghe và tăng cường giao tiếp với con cái; nhà trường và xã hội; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho thanh thiếu niên;…
- Rút ra bài học, liên hệ bản thân.
* Kết bài: Khẳng định vấn đề cần nghị luận.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.