Thành công luôn là đích đến cho mọi cuộc hành trình, dù bạn là ai, hay đang nắm giữ vai trò gì trong xã hội mà bạn đang sống từng ngày. Như đã được nhắc đến rất nhiều trong mọi bài báo, mọi cuộc phỏng vấn, hay cả những cuốn tự truyện của người thành công, thì thứ cản bước ta luôn mang cái tên "khó khăn". Có người nghĩ "khó khăn" đến từ điều kiện của hoàn cảnh, hay là con người, nhưng không mấy ai nghĩ đến việc "khó khăn" cũng bắt nguồn từ việc bạn có rất nhiều tài nguyên, nhiều "đất diễn" để thể hiện, nhưng lại không tận dụng và làm chủ được nó. Suy nghĩ này đã xuất hiện trong đầu tôi khi nhing thấy hình ảnh trên. Trước hết, để vấn đề được làm rõ hơn, ta cần hiểu "tài nguyên" ở đây nghĩa là gì? Đó là những cơ hội mà bạn có được trên con đường tiến tới thành công, từ điều kiện hoàn cảnh và đương nhiên là cả con người. Cũng phải nhấn mạnh rằng, thành công của bạn nhất định phải có loại "tài nguyên" này. Vậy thì tại sao? Những chiếc thang trong hình ảnh trên chính là "tài nguyên" mà ta đang nhắc đến. Chúng xếp chồng lên nhau thành một đống cao, dẫu nhiều nhưng chẳng thể đưa người đàn ông trong tấm hình - hình ảnh ẩn dụ của bản thân chúng ta - vượt qua được bức tường gạch. Mỗi chiếc thang là một cơ hội, như cách bạn trèo lên thang phải thật chậm rãi và chắc chắn, thì cơ hội ta cũng phải nắm chắc ở trong tay. Cơ hội có thể vụt qua trước mắt bạn một, hai lần, nhưng đừng nghĩ đến việc sẽ để ánh sáng may mắn này lướt qua bạn lần thứ ba, bởi bạn đâu biết mình còn có thể sửa sai nếu lần này lại không thể bắt được nó. Cơ hội dù nhiều hay ít, dù đến trước hay đến sau, đều cần ta sử dụng một cách có hiệu quả và triệt để. Cũng như người đàn ông mà ta thấy trong tấm hình trên, dù cuộc đời đã để anh ấy có vô vàn cơ hội, nhưng tiếc thay, việc không biết nắm bắt, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả đã không thể giúp ích được cho anh ấy trên con đường tiến tới thành công. Biết nắm bắt cơ hội và cũng phải biết cách tự tạo cơ hội cho mình, lúc ấy những “tài nguyên” xung quanh mới không bị bỏ phí. Ví như Picasso, khi còn là một họa sĩ nghèo túng vô danh ở Paris, ông đã không ngần ngại dùng nốt số tiền còn lại để thuê các sinh viên đến các phòng tranh để hỏi:”Ở đây có bán tranh của Picasso không?”, nhờ vậy mà chẳng mấy chốc ông đã nổi tiếng. Nói tóm lại, sống trên đời, nhất định phải tự nắm bắt cơ hội, biết cách sử dụng những tiềm năng xung quanh mình, đừng như câu nói này “Rất nhiều cơ hội mất đi vì người ta còn bận đi tìm nhánh cỏ bốn lá may mắn.”