Trong “Sapiens- Lược sử loài người” tác giả Yuval Noah Harari đã chia sẻ về “Khoa học và Cách mạng công nghiệp đã đem lại cho nhân loại những quyền lực siêu việt cũng như nguồn năng lượng gần như vô biên”. Nhưng dù sở hữu quyền năng đó cho phép con người phát triển và đặt chân đến bất cứ nơi đâu, con người cũng không thể rời xa cội nguồn văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc. Giống như lời khẳng định của nhà hoạt động giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh "Thế giới càng toàn cầu hóa, con người càng có nhu cầu khẳng định và bám vào cội nguồn văn hóa và ngôn ngữ, bản sắc dân tộc và cộng đồng”. Chắc hẳn ít nhất một lần chúng ta đã từng nghe qua cụm từ “Toàn cầu hóa” - một xu hướng phát triển hiện nay của thế giới. Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế... trên quy mô toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế liên kết với các doanh nghiệp ở nước ngoài. Song khi con người bước ra thị trường quốc tế - nơi giao thoa của rất nhiều các nền văn hóa khác nhau thì họ lại càng có nhu cầu khẳng định và bám vào nguồn cội văn hóa và ngôn ngữ của đất nước mình. Bởi nguồn cội văn hóa và ngôn ngữ tiếp thêm sức mạnh cho con người khi đứng trước những đối tác nước ngoài. Khi chúng ta thấu hiểu về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ dân tộc, ta sẽ xây dựng được niềm tự hào đối với đất nước. Xét về bề dày lịch sử và văn hóa, Tổ quốc của chúng ta không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Vì vậy khi cùng làm việc với người nước ngoài ta sẽ luôn giữ được sự tự tin và tác phong chuyên nghiệp. Khi chúng ta bám vào cội nguồn, văn hóa và ngôn ngữ, bản sắc dân tộc và cộng đồng, ta sẽ tạo nên một nét rất riêng - một màu sắc đặc biệt không trộn lẫn khi chúng ta tiến tới “toàn cầu hóa”. Những ý tưởng sản phẩm hay mỗi dự án chúng ta thực hiện luôn đặt yếu tố văn hóa độc đáo vào bên trong sẽ tạo nên một sức hút lớn với những nhà đầu tư. Thị trường luôn trân trọng và tìm kiếm những màu sắc độc nhất và yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc chính là một điểm nhấn. Bên cạnh đó cội nguồn văn hóa và ngôn ngữ cho chúng ta cơ hội được sống gần với đất Mẹ tổ quốc thiêng liêng khi xa vòng tay gia đình. Qua những lời ca ngọt ngào của mẹ, tình yêu thương con người được nuôi dưỡng. Qua những trang sử hào hùng của dân tộc, ta thấy được cả một thế hệ vàng của đất nước những người sẵn sàng hi sinh để làm nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Nhờ văn hóa và ngôn ngữ, chúng ta trở thành những người sống tình cảm, biết cảm thông yêu thương và biết trân trọng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Câu nói trên đã giúp tôi hiểu ra rằng dù có đi đến miền đất hứa nào thì chúng ta cũng cần phải trân trọng cội nguồn văn hóa - hồn cốt của dân tộc. Đặc biệt phê phán những người trong quá trình toàn cầu hóa lại quên mất nguồn cội, xem thường bản sắc dân tộc và cộng đồng. Hy vọng mỗi người chúng ta đều là một công dân toàn cầu xuất sắc nhưng luôn cất giữ trong tim bóng hình dân tộc mình.