Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề luyện viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm thơ SVIP
(4.0 điểm) Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày cảm xúc về cuộc chia ly trong đoạn trích sau.
Đường ra mặt trận
(Trích)
Những buổi vui sao, cả nước lên đường,
Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục
Xóm dưới làng trên, con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau
Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội
Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu
Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp
Chào nhau không kịp nhớ mặt
Dô hò nón vẫy theo,
Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát
[...]
Yểm hộ miền Nam
Thình thình đại bác
Nhịp những bước chân
Cả nước lên đường.
(Chính Hữu, nguồn: Báo Quân khu 7, thứ Sáu, 29/04/2016)
Chú thích:
- Chính Hữu (1926 – 2007) tên thật là Trần Đình Đắc, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nguyên là Đại tá, Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ ông không nhiều nhưng lại có nhiều bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Tập thơ Đầu súng trăng treo (1966) là tác phẩm chính của ông.
- Bài thơ Đường ra mặt trận (in trong tuyển thơ Chống Mỹ cứu nước 1965 - 1967) ra đời năm 1965. Đó là năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Cả nước có chiến tranh. Miền Bắc lúc ấy vừa là hậu phương lớn của miền Nam tiền tuyến, lại vừa là tiền tuyến vì phải trực tiếp đánh Mỹ.
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm xúc về cuộc chia ly trong đoạn trích "Đường ra mặt trận".
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu đoạn trích thơ, tác giả và nêu ý kiến khái quát về đoạn trích.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Khái quát chung: Tham khảo nội dung phần "Chú thích".
– Đoạn trích viết về cuộc chia ly khi đất nước đang trong giai đoạn chống Mỹ khốc liệt. Đoạn trích dùng hình ảnh cuộc chia ly để ngợi ca sự hy sinh thầm lặng và tinh thần quật cường của những con người dám gác lại hạnh phúc cá nhân để lên đường vì Tổ quốc. Trong thơ Chính Hữu, sự chia tay mang màu sắc tập thể, hừng hực khí thế cách mạng: "Xóm dưới làng trên, con trai con gái / Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau". Người ra đi là cả một thế hệ cùng chung lòng yêu nước, cùng lý tưởng cao đẹp. Cuộc chia ly trở thành một lời hẹn ước lớn lao với quê hương.
– Về không gian: Không gian chia ly được mở rộng ra toàn cảnh đất nước. Đó là không khí hào hùng, rộn ràng của một thời đại mà lý tưởng chiến đấu lấn át mọi nỗi buồn riêng tư: "Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp/ Chào nhau không kịp nhớ mặt/ Dô hò nón vẫy theo,/ Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát". Không gian là khắp mọi miền đất nước, tạo nên một cảm giác về sự gắn kết tập thể, sức mạnh cộng đồng.
– Về cảm xúc: Trong "Đường ra mặt trận", cảm xúc chia ly được khuất lấp bởi không khí sục sôi của tinh thần cách mạng. Những người lính và người thân chào nhau trong sự vội vã, dường như không có chỗ cho nỗi buồn hay sự bịn rịn: "Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu".
– Cuộc chia ly trong thơ Chính Hữu phản ánh sâu sắc bản chất của một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Đất nước trong kháng chiến là nơi mà lý tưởng giải phóng dân tộc trở thành mục tiêu lớn nhất, vượt lên trên cả những niềm riêng. Những người lính, dù ra đi trong khí thế sục sôi hay trong lặng lẽ, đều mang theo trái tim đầy nhiệt huyết và khát vọng cống hiến.
– Chính Hữu hướng ngòi bút của mình vào bức tranh toàn cảnh của cuộc kháng chiến. Ông khắc họa không khí hào hùng, rộn ràng của một thời đại mà lý tưởng cách mạng trở thành điểm sáng chi phối mọi cảm xúc. Vì thế, không gian trong thơ ông rộng lớn, mang tính tập thể, và cảm xúc được đặt dưới ánh sáng của niềm tin, lý tưởng lớn lao.
– Thông điệp gợi ra từ cuộc chia ly: Lòng yêu nước, biết ơn những người chiến sĩ đã hi sinh tuổi trẻ, không màng khó khăn để chiến đấu bảo vệ đất nước.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.