Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra cuối học kì II - Đề số 1 SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Chữ ta
Vừa ở Xơ-un (Hàn Quốc) về nước, đi công tác ở một số thành phố, thấy cần phải viết ngay một điều.
Ai cũng biết Hàn Quốc phát triển kinh tế khá nhanh, vào loại “con rồng nhỏ”, có quan hệ chặt chẽ với các nước phương Tây, một nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, có quan hệ quốc tế rộng rãi. Khắp nơi đều có quảng cáo nhưng không bao giờ quảng cáo thương mại được đặt ở những công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh. Chữ nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, nếu có thì viết nhỏ, đặt dưới chữ Hàn Quốc to hơn phía trên. Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bẳng hiệu chữ Hàn Quốc. Trong khi đó thì ở một vài thành phố của ta, nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Anh, có bảng hiệu của các cơ sở của ta hẳn hoi mà chữ nước ngoài phải lớn hơn cả chữ Việt, có lúc ngỡ ngàng tưởng như mình lạc sang một nước khác.
Rồi báo chí ở Hàn Quốc khá nhiều. Tôi không biết chữ Hàn Quốc nhưng cũng xem qua khá nhiều tờ báo. Có một số tờ báo, tạp chí, số báo xuất bản bằng tiếng nước ngoài, in rất đẹp. Những các tờ báo phát hành ở trong nước đều không có mấy trang cuối viết bằng tiếng nước ngoài, trừ một số tạp chí khoa học, ngoại thương có in ở trang cuối mục lục bằng tiếng nước ngoài để người đọc nước ngoài nhờ dịch những bài cần đọc. Trong khi đó, ở ta, khá nhiều báo, kể cả một số tờ báo của các ngành của nhà nước ta, có cái “mốt” là tóm tắt một số bài chính bằng tiếng nước ngoài ở trang cuối, xem ra để cho “oai”, trong khi đó, người đọc trong nước lại bị thiệt mất mấy trang thông tin.
Phải chăng, đó cũng là thái độ tự trọng của một quốc gia khi mở cửa với bên ngoài, mà ta nên suy ngẫm.
12-4-1994
(Hữu Thọ, theo Bình luận báo chí thời kì đổi mới, NXB Giáo dục, 2000)
Câu 1. Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào?
Câu 2. Vấn đề được đề cập đến trong văn bản là gì?
Câu 3. Để làm sáng tỏ cho luận điểm, tác giả đã đưa ra những lí lẽ, bằng chứng nào?
Câu 4. Chỉ ra một thông tin khách quan và một ý kiến chủ quan mà tác giả đưa ra trong văn bản.
Câu 5. Nhận xét về cách lập luận của tác giả.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Kiểu văn bản: Văn bản nghị luận.
Câu 2. (0.5 điểm)
Vấn đề được đề cập đến trong văn bản: Việc tôn trọng và sử dụng tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Câu 3. (1.0 điểm)
Những lí lẽ và bằng chứng được tác giả đưa ra là:
- Lí lẽ 1: Ở Hàn Quốc, chữ nước ngoài không bao giờ được lấn át ngôn ngữ dân tộc.
- Bằng chứng: Quảng cáo thương mại không được đặt ở công sở, hội trường lớn, danh lam thắng cảnh; trên biển quảng cáo, chữ nước ngoài thường được viết nhỏ hơn, đặt bên dưới chữ Hàn Quốc.
- Lí lẽ 2: Việc sử dụng tiếng nước ngoài trong báo chí Hàn Quốc cũng có giới hạn nhất định.
- Bằng chứng: Ở Hàn Quốc, tiếng nước ngoài chỉ được sử dụng ở phần mục lục. Nhưng ở Việt Nam, tiếng nước ngoài lại được sử dụng ở mấy trang cuối để tóm tắt thông tin một số bài chính khiến người đọc trong nước bị thiệt mấy mấy trang thông tin.
Câu 4. (1.0 điểm)
- HS xác định và chỉ ra một thông tin khách quan và ý kiến chủ quan được tác giả đề cập đến trong văn bản.
- Ví dụ:
+ Thông tin khách quan: “Đi đâu, nhìn đâu cũng thấy nổi bật những bảng hiệu chữ Hàn Quốc.”.
+ Ý kiến chủ quan: “Phải chăng, đó cũng là thái độ tự trọng của một quốc gia khi mở cửa với bên ngoài, mà ta nên suy ngẫm.”.
Câu 5. (1.0 điểm)
Cách lập luận của tác giả trong văn bản rất chặt chẽ, thuyết phục nhờ các yếu tố sau:
- Lí lẽ, dẫn chứng được đặt trong sự đối sánh giữa Hàn Quốc và Việt Nam, từ đó làm nổi bật sự khác biệt trong thái độ tôn trọng tiếng mẹ đẻ của hai dân tộc châu Á.
- Lí lẽ, dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục, được đúc kết từ chính trải nghiệm của tác giả sau khi ở Hàn Quốc.
=> Tóm lại, cách lập luận trong văn bản logic, có sự kết hợp giữa dẫn chứng thực tế với quan điểm, trải nghiệm cá nhân, góp phần làm sáng tỏ vấn đề.
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.
Câu 2. (4.0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) phân tích nội dung và nghệ thuật của văn bản sau đây.
TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG MÌNH TRẺ LẠI TRƯỚC MÙA XUÂN
Phạm Văn Tình
Tiếng Việt chúng mình có từ thời xa lắm
Thuở mang gươm mở cõi dựng kinh thành
Vó ngựa hãm Cổ Loa, mũi tên thần bắn trả
Vẽ nên hồn Lạc Việt giữa trời xanh.
Bao thế hệ đam mê sống lại thời chiến trận
Bài Hịch năm nào hơn mười vạn tinh binh
Cả dân tộc thương nàng Kiều rơi lệ
Lời Bác truyền gọi ta biết sống vượt lên mình.
Tiếng Việt ngàn năm trong ta là tiếng mẹ
Là tiếng em thơ bập bẹ hát theo bà
Xốn xang lời ru tình cờ qua xóm nhỏ
Ơi tiếng Việt mãi nồng nàn trong câu hát dân ca!
Anh lại cùng em bước vào thiên niên kỷ
Bỗng gặp lại quê hương qua lời chúc mặn mà
Lời chúc sớm mai, ngày mồng một Tết
Qua tấm thiếp gửi thăm thầy, thăm mẹ, thăm cha.
Tiếng Việt ngàn đời hôm nay như trẻ lại
Bánh chưng xanh, xanh đến tận bây giờ
Bóng chim Lạc bay ngang trời, thả hạt vào lịch sử
Nảy lộc đâm chồi, thức dậy những vần thơ.
* Chú thích: Nhân dịp tham dự tọa đàm "Tiếng Việt ân tình" chào mừng ngày Tôn vinh tiếng Việt 08/09/2024, PGS. TS. Phạm Văn Tình bày tỏ niềm vui khi được chia sẻ về nét đẹp của tiếng Việt. Thầy Tình đã gửi đến các bạn khán giả bài thơ "Tiếng Việt của chúng mình trẻ lại trước mùa xuân" do chính mình sáng tác.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giải thích: Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc chính là giữ cho ngôn ngữ của dân tộc chuẩn mực, không bị lại căng, không sử dụng những yếu tố ngoại lai không cần thiết.
+ Thực trạng hiện nay: Hiện nay, nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ sử dụng tiếng Việt sai cách, pha trộn quá nhiều tiếng nước ngoài trong giao tiếp hoặc trao đổi thông tin. Một số bảng hiệu, quảng cáo, tên thương hiệu ở Việt Nam dùng tiếng nước ngoài nhiều hơn tiếng Việt, làm mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc. Việc viết tắt, dùng ngôn ngữ mạng một cách tùy tiện cũng ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
+ Tầm quan trọng của việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc: Góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; giúp ngôn ngữ dân tộc phát triển bền vững, phù hợp với thời đại mà vẫn giữ được nét riêng;…
+ Giải pháp: Mỗi cá nhân cần ý thức sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn, tránh lạm dụng từ nước ngoài; các cơ quan truyền thông, giáo dục cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt;…
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Tiếng Việt của chúng mình trẻ lại trước mùa xuân”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Về nội dung: Tiếng Việt được khắc họa qua những chi tiết sau:
++ Nguồn gốc lâu đời và sức mạnh của tiếng Việt trong lịch sử dân tộc: Tiếng Việt gắn bó chặt chẽ với lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam (Vó ngựa hãm Cổ Loa, mũi tên thần bắn trả). Không những vậy, tiếng Việt còn đại diện cho lòng tự tôn dân tộc (Vẽ nên hồn Lạc Việt giữa trời xanh).
++ Tiếng Việt trong văn học và lời dạy của cha ông: Tiếng Việt được dùng để khơi lên tình thương, sự đồng cảm với nàng Kiều của Nguyễn Du; vun lên tinh thần chiến đấu vì dân tộc trong Hịch tướng sĩ. Tiếng Việt còn là phương tiện truyền tải tư tưởng, tình cảm, giúp con người trưởng thành, vượt lên chính mình.
++ Tiếng Việt trong đời sống thường nhật gắn với lời nói thân thương của mẹ, của em thơ, của lời ru dịu dàng; gắn liền với những câu hát dân ca, lời chúc năm mới, tấm thiệp đầu xuân. Không những vậy, nó còn là sợi dây kết nối tình cảm giữa các thế hệ.
++ Sức sống của tiếng Việt và sự trẻ hóa của tiếng Việt theo thời gian: Tiếng Việt luôn trẻ trung, đổi mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc. Những hình ảnh “bánh chưng xanh”, “bóng chim Lạc”, “hạt giống lịch sử” thể hiện sự trường tồn và phát triển của tiếng Việt, tiếp tục hóa thành những giá trị tinh thần, văn hóa đáng trân trọng của người Việt Nam.
+ Nghệ thuật:
++ Thể thơ tự do, câu thơ linh hoạt, giàu nhạc tính giúp cho lời thơ dễ chạm đến trái tim người đọc.
++ Hình ảnh giàu tính biểu tượng giúp lời thơ trở nên hàm súc, cô đọng, giàu sức gợi hình, gợi cảm.
++ Ngôn ngữ bình dị nhưng giàu cảm xúc, thể hiện sự tự hào, tôn vinh tiếng Việt.
(HS có thể khai thác thêm những yếu tố khác dựa trên hiểu biết của bản thân, sao cho có kiến giải hợp lí, thuyết phục.)
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.