Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra cuối học kì II - Đề số 2 SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Đô thị cổ Hội An được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới
Đô thị cổ Hội An nối với biển Đông qua Cửa Đại, phía nam giáp huyện Duy Xuyên, phía tây giáp Điện Bàn, cách Đà Nẵng 20km về phía bắc. Từ thế kỷ XVII về trước, Hội An thông thương với Đà Nẵng qua đường sông Cổ Cò. Sau này, dòng sông bị bồi lấp. Đi ngược về phía tây, cả đường sông và đường bộ là những làng mạc trù phú tiếp nối với rừng Trường Sơn giàu lâm thổ sản.
Thương cảng Hội An hình thành từ thế kỷ XVI, thịnh đạt nhất trong thế kỷ XVII-XVIII, suy giảm dần từ thế kỷ XIX, để rồi chỉ còn là một đô thị vang bóng một thời. Đứng về tuổi thọ, Hội An tồn tại trong thời gian không dài. Về quy mô của một đô thị trong thời thịnh vượng của nó cũng chưa phải là to lớn. Tuy nhiên về những phương diện khác, Hội An có vị trí, vai trò đáng chú ý và mang những đặc điểm riêng, tạo nên dáng vẻ và những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo. Trong khi hầu hết các đô thị cổ khác, trải qua những biến thiên của lịch sử và những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên đều bị hủy hoại, hoặc được cải tạo hoàn toàn theo kiểu hiện đại, chỉ để lại trên mặt đất vài di tích rời rạc, thì Hội An được bảo tồn khá nguyên vẹn. Có thể coi đây là trường hợp duy nhất của Việt Nam và cũng là trường hợp hiếm thấy trên thế giới.
Ảnh: Phố cổ Hội An
Chính vì những giá trị đó, mà năm 1985, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận đây là Di tích Văn hóa cấp quốc gia và khoanh vùng bảo vệ di tích phố cổ Hội An.
[…] Trong hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An trong các ngày 22, 23-3-1990, đã có 38 tham luận (trong đó có 12 tham luận của các nhà khoa học nước ngoài) đã đề cập đến nhiều vấn đề của Hội An trong lịch sử và hiện trạng. Các báo cáo cũng gợi mở nhiều vấn đề để tranh luận, đặt ra những hướng tìm tòi mới có ý nghĩa.
Đặc biệt, trong hội thảo quốc tế này, một số báo cáo đã đặt ra vấn đề nghiên cứu sâu hơn thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Nơi đây còn ẩn tàng dấu vết một thương cảng cổ của vương quốc Chămpa, một “Lâm Ấp Phố” bên cửa sông lớn Thu Bồn. Và Hội An một mặt kế thừa những thành quả khai phá của Chiêm cảng xưa, mặt khác được trực tiếp chuẩn bị từ thế XV, khi người Việt đến tụ cư tại đây và tạo thành một cửa ngõ giao thương của Đàng Trong Việt Nam với thế giới bên ngoài. Hội An còn là một trung tâm giao lưu văn hóa Đông - Tây, là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ, và trung tâm truyền bá đạo Thiên Chúa, đạo Phật ở Đàng Trong.
Vẫn còn khá nguyên vẹn những di tích bến cảng, các phố cổ, các nhà liền kế, nhà thờ tộc họ, đình chùa, đền miếu, hội quán của người Hoa, lăng mộ của người Nhật, người Hoa, và độc đáo nhất cây cầu mang tên Cầu Nhật Bản. Những loại hình kiến trúc đa dạng cùng các phong tục tập quán, lễ hội đã phản ánh một chặng đường phát triển, hội nhập và giao thoa để tạo nên một sắc thái văn hóa riêng của Hội An, kết hợp hài hòa giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Ngày 4-12-1999, tổ chức UNESCO đã ra quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di tích Văn hóa thế giới. Như vậy là trên đất Quảng Nam, có hai Di tích Văn hóa thế giới là: Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
(Theo danang.gov.vn)
Câu 1. Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào?
Câu 2. Đối tượng thông tin được đề cập đến trong văn bản là gì?
Câu 3. Phân tích cách trình bày thông tin trong câu văn: “Thương cảng Hội An hình thành từ thế kỷ XVI, thịnh đạt nhất trong thế kỷ XVII-XVIII, suy giảm dần từ thế kỷ XIX, để rồi chỉ còn là một đô thị vang bóng một thời.”.
Câu 4. Phương tiện phi ngôn ngữ nào được sử dụng trong văn bản? Hãy nêu tác dụng của phương tiện phi ngôn ngữ đó trong việc biểu đạt thông tin trong văn bản.
Câu 5. Mục đích và nội dung của vản bản trên là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Văn bản thông tin giới thiệu về một di tích lịch sử.
Câu 2. (0.5 điểm)
Đối tượng thông tin: Đô thị cổ Hội An.
Câu 3. (1.0 điểm)
- HS xác định cách trình bày thông tin được sử dụng trong câu văn: Trình bày thông tin theo trật tự thời gian, nêu rõ các giai đoạn hình thành, phát triển và suy giảm của thương cảng Hội An.
- Tác dụng: Cách trình bày này giúp người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin và hiểu rõ được quá trình phát triển thăng trầm của thương cảng Hội An.
Câu 4. (1.0 điểm)
- HS xác định phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng: Ảnh phố cổ Hội An.
- Tác dụng:
+ Giúp bài viết thêm sinh động, trực quan.
+ Giúp người đọc dễ hình dung, tưởng tượng về Hội An.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Mục đích: Cung cấp thông tin về lịch sử, văn hóa của đô thị cổ Hội An.
- Nội dung: Văn bản cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp người đọc có thêm những tri thức tin cậy, hệ thống về đô thị cổ Hội An.
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) đưa ra những giải pháp hợp lí để hạn chế sự xuống cấp của các di tích lịch sử.
Câu 2. (4.0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản sau đây.
Đường vào Yên Tử
Hoàng Quang Thuận
Đường vào Yên Tử có khác xưa
Vẹt đá mòn chân lễ hội mùa
Trập trùng núi biếc cây xanh lá
Đàn bướm tung bay trong nắng trưa.
Cây rừng phủ núi thành từng lớp
Muôn vạn đài sen mây đong đưa
Trông như đám khói người Dao vậy(1)
Thấp thoáng trời cao những mái chùa.
(Thi vân Yên Tử(2), NXB Giáo dục, 2015)
* Chú thích:
(1) Người dân tộc Dao đốt lá cây rừng làm rẫy.
(2) “Thi vân Yên Tử” có nghĩa là được viết trên đỉnh mây ngàn của non thiêng Yên Tử. Tác giả Hoàng Quang Thuận đã sáng tác tập thơ này vào năm 1997, tại Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Lân, khi ông hành hương về viếng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những giải pháp hợp lí để hạn chế sự xuống cấp của các di tích lịch sử.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giới thiệu: Di tích lịch sử là tài sản quý báu của dân tộc, nhưng hiện nay nhiều di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, buộc chúng ta tìm ra những giải pháp để bảo vệ và gìn giữ.
+ Giải pháp:
++ Nâng cao ý thức cộng đồng: Tuyên truyền, giáo dục toàn dân về tầm quan trọng của di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử để thế hệ trẻ thêm yêu quý và có ý thức bảo vệ di sản.
++ Bảo vệ di tích khỏi những tác động xấu: Xây dựng quy định chặt chẽ trong việc bảo tồn, nghiêm cấm hành vi phá hoại, vẽ bậy, xả rác; hạn chế khai thác di tích phục vụ mục đích thương mại quá mức, gây ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan.
++ Trùng tu và bảo dưỡng hợp lí: Thực hiện trùng tu di tích đúng kỹ thuật, giữ nguyên giá trị lịch sử, tránh làm mất đi nét cổ kính; đầu tư kinh phí từ nhà nước, kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để bảo tồn di tích.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Đường vào Yên Tử”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Về nội dung:
++ Bức tranh thiên nhiên Yên Tử: Hình ảnh thiên nhiên Yên Tử được miêu tả qua các chi tiết: “núi biếc”, “cây xanh lá”, “đàn bướm tung bay”, “mây đong đưa”,… Cảnh vật trập trùng, hòa quyện giữa núi, cây, mây trời, tạo nên một không gian huyền ảo, thơ mộng.
++ Sự thay đổi của con đường vào Yên Tử theo thời gian: “Vẹt đá mòn chân lễ hội mùa” gợi lên hình ảnh con đường quen thuộc với bao thế hệ hành hương về chốn linh thiêng Yên Tử. Sự thay đổi này cho thấy sự gắn bó sâu sắc, lâu dài giữa con người với Yên Tử.
++ Sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục và chùa, tháp cổ kính của Yên Tử gợi lên không gian thực hành tôn giáo vừa như chốn thần tiên, vừa gần gũi, gắn bó với con người.
+ Nghệ thuật:
++ Thể thơ bảy chữ; lời thơ ngắn gọn, súc tích; ngôn ngữ thơ bình dị, giàu sức gợi hình.
++ Có sự kết hợp giữa các biện pháp tu từ như đảo ngữ, so sánh góp phần giúp cho hình ảnh thơ trở nên sinh động, chân thực hơn.
=> Nhận xét: Bài thơ “Đường vào Yên Tử” của Hoàng Quang Thuận thể hiện niềm tự hào và sự trân trọng đối với danh thắng Yên Tử - một vùng đất linh thiêng gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam.
(HS có thể khai thác thêm những yếu tố khác dựa trên hiểu biết của bản thân, sao cho có kiến giải hợp lí, thuyết phục.)
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.