Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra cuối học kì II - Đề số 3 SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Viết ra những ý tưởng có thể giúp bạn trở nên thông minh hơn
Một người trưởng thành trung bình có 50.000 suy nghĩ mỗi ngày. Bây giờ bạn hãy cố gắng nhớ lại 100 ý tưởng trong số đó xem nào. Quá khó phải không?
Chúng ta quên đi hầu hết các suy nghĩ đó là điều bình thường vì não của chúng ta phải loại ra những thông tin không cần thiết để tránh cho thần kinh của chúng ta bị rối loạn. Vấn đề là chúng ta thường quên đi rất nhiều ý tưởng tuyệt vời trong ngày.
Những ý tưởng tuyệt vời thường xuất hiện khi chúng ta không có sự chuẩn bị trước
Hầu hết các ý tưởng tuyệt vời sẽ xảy đến khi não của bạn đang ở trong “chế độ phân tán” (diffused mode): Những ý tưởng đến với bạn trong trạng thái này khi bạn không cố ý tập trung, chẳng hạn như khi bạn đang mơ tưởng điều gì đó hay khi tâm hồn lơ lửng trong lúc tắm.
Những ý tưởng sáng tạo thường đến với chúng ta trong trạng thái tâm trí này bởi vì đây là lúc tâm trí của chúng ta thoải mái nhất. Đây là khi não chúng ta liên kết những bó dây thần kinh (neural pathways) khác nhau lại để đưa ra những ý tưởng mới mẻ (giống như sự sáng tạo cho phép chúng ta kết nối các chấm nhỏ lại với nhau như thế nào thì não của chúng ta cũng diễn ra quá trình này một cách tự nhiên ở trạng thái phân tán này). Vấn đề là vì lúc đó bộ não của chúng ta đang hoàn toàn thư giãn nên nó không có chủ đích ghi nhớ lại những ý tưởng phát ra.
Đừng bao giờ tin tưởng vào não bộ của bạn: bộ nhớ của nó không hoàn hảo đâu
Thông thường thì những ý tưởng xuất hiện trong đầu chúng ta suốt chế độ phân tán có thể khá trừu tượng. Vượt quá giới hạn suy nghĩ thông thường, nếu bạn có thể. Đây là những ý tưởng hay nhất của bạn. Những ý tưởng mới lạ, sáng tạo và ở đẳng cấp cao sẽ khuynh đảo cả thế giới này.
Bạn có nhớ ý tưởng đột phá, thiên tài bạn nghĩ ra khi đang tắm? Bạn có nhớ ý tưởng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho thế giới như chúng ta có thể nghĩ đến? Tất nhiên bạn không thể nhớ. Ý tưởng phi thường của bạn sẽ trôi tuột khỏi bộ nhớ của bạn, không bao giờ có thể nhớ lại được vì bạn đã không viết nó ra.
Trong cuộc chạy đua với thời gian ngày nay, chúng ta không thể bớt chút thời gian để ghi lại những ý tưởng liên tục xuất hiện trong đầu của mình. Một số người có thể cho rằng đó là một sự lãng phí thời gian. Chúng ta nghĩ rằng nếu suy nghĩ đó thật sự quan trọng đến thế, thì sau này chúng ta sẽ nhớ nó và hiện thực hóa nó. Nhưng chúng ta không nhớ gì cả. Và chúng ta bị bỏ lại với sự mơ hồ rỗng tuếch - “Tôi biết tôi dự tính làm gì đó, nó là gì nhỉ?”
Đừng lười biếng, hãy ghi lại ý tưởng tuyệt vời dù bạn có tự tin rằng bạn sẽ nhớ nó đến mức nào đi chăng nữa
Luôn giữ các công cụ có thể lưu trữ trong tầm tay, nhưng không để chúng trong tầm mắt. Nếu bạn để một cuốn sổ tay và một cây bút ngay trước mặt bạn, bạn sẽ không còn ở chế độ phân tán nữa và những suy nghĩ sẽ không tuôn ra một cách dồi dào nữa. Nhưng bạn cần để quyển sổ tay đủ gần, để khi những suy nghĩ tuôn ra, bạn sẽ không phải vất vả cả thể chất lẫn tinh thần để với lấy nó.
Các ứng dụng trên điện thoại thông minh như Evernote là sự lựa chọn tuyệt vời cho việc này. Một số ứng dụng khác là những ứng dụng ghi âm, sổ tay chống nước dùng trong phòng tắm, máy tính xách tay, hoặc đơn giản chỉ là một quyển sổ tay và một cây bút (đây là món đồ yêu thích của cá nhân tôi, đáng tin hơn).
Ngăn chặn sự nóng vội sắp xếp thông tin
Bạn sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy cần tổ chức suy nghĩ của bạn ngay lập tức khi chúng xuất hiện trong bạn. Đừng làm thế. Tổ chức lại các ý tưởng là một nhiệm vụ riêng biệt sẽ thực hiện sau, khi bạn chuyển sang chế độ tập trung (trái ngược với chế độ phân tán).
Hãy duy trì quá trình suy nghĩ tự do và viết ra những ý tưởng và để chúng yên một chỗ cho đến khi nào bạn hoàn thành. Nếu bạn cố gắng sắp xếp chúng khi chúng mới nảy sinh, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều ý tưởng bởi vì bạn quá tập trung vào một ý tưởng duy nhất. Bạn cũng sẽ bị mất động lực bởi vì bạn đang tự đặt gánh nặng lên chính mình và phức tạp hóa quá trình lên.
Xem lại ý tưởng của bạn thường xuyên
Bây giờ thì bạn đã viết ra những ý tưởng, bạn cần củng cố lại những ý tưởng này để biến chúng thành một thứ gì đó to lớn hơn. Bạn nên xem lại ý tưởng của mình khoảng 3 lần một tuần.
Trong khi xem xét các ý tưởng, bạn có thể lọc ra một số ý tưởng có tính hữu ích thấp hơn, sắp xếp chúng riêng ra và bắt đầu phát triển những ý tưởng có tiềm năng thành công.
Hãy nhớ rằng, hầu hết mọi người đều có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời, nhưng chỉ có rất ít người trong số đó quan tâm đến chuyện viết chúng ta. Và những người viết ra được chính là những người thành công.
(Theo nghethuatsong.com)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Vấn đề được đặt ra trong văn bản là gì?
Câu 3. Vì sao tác giả bài viết lại khuyến cáo chúng ta không nên tin tưởng vào não bộ của chúng ta?
Câu 4. Trong văn bản, để có thể trở thành một người thành công, tác giả bài viết đã đưa ra những lời khuyên nào cho chúng ta?
Câu 5. Nhận xét về cách lập luận của tác giả.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. (0.5 điểm)
Vấn đề được đặt ra trong văn bản là tầm quan trọng của việc viết ra những ý tưởng.
Câu 3. (1.0 điểm)
Tác giả khuyến cáo chúng ta không nên tin tưởng vào não bộ của mình vì bộ nhớ của não không hoàn hảo, dễ dàng quên đi những ý tưởng tuyệt vời, đặc biệt là những ý tưởng xuất hiện trong trạng thái phân tán. Nếu không ghi lại, chúng ta sẽ không thể nhớ và hiện thực hóa những suy nghĩ quan trọng.
Câu 4. (1.0 điểm)
Trong văn bản, để có thể trở thành một người thành công, tác giả bài viết đã đưa ra những lời khuyên sau:
- Ghi lại ý tưởng ngay khi nảy sinh, dù có tự tin rằng mình sẽ nhớ nó đến đâu.
- Luôn có công cụ ghi chép trong tầm tay, nhưng không để chúng trong tầm mắt để tránh làm gián đoạn dòng suy nghĩ.
- Không vội sắp xếp thông tin ngay khi ý tưởng xuất hiện, để tránh làm mất đi các ý tưởng khác.
- Xem lại ý tưởng thường xuyên (khoảng 3 lần một tuần) để chọn lọc và phát triển những ý tưởng có tiềm năng.
Câu 5. (1.0 điểm)
Cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục vì:
- Sử dụng dẫn chứng thực tế như việc con người có khoảng 50.000 suy nghĩ mỗi ngày nhưng lại quên hầu hết chúng.
- Giải thích cơ chế hoạt động của não bộ với những thông tin khoa học, cụ thể, chính xác (chế độ phân tán, liên kết thần kinh, bộ nhớ không hoàn hảo) để tăng tính khoa học, chặt chẽ cho bài viết.
- Đưa ra những lời khuyên cụ thể và dễ thực hiện giúp người đọc áp dụng vào thực tế.
=> Cách viết giàu tính thuyết phục, kết hợp giữa phân tích, lý giải và khẳng định mạnh mẽ để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi lại ý tưởng.
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về sự tác động của ChatGPT đến khả năng tư duy, sáng tạo của con người.
Câu 2. (4.0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản sau đây.
Mẹ
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao...
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mớ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!
“Ông mất lâu rồi...” - Mẹ kể con nghe
Những chuyện làm ăn, những phen luân lạc,
Mắt nhoà đục và mái đầu tóc bạc
Cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm...
Những lúc hiếm hoi, mưa tạnh, trời trăng,
Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt
Con ra ngõ, núi chập chùng xanh ngắt
Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi.
Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi:
- “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ!
Súng đạn đó, ba lô còn treo đó,
Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?”
...Ôi mẹ già trên bản vắng xa xăm
Con đã đi rồi, mấy khi trở lại?
Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái
Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng!
Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn,
Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ...
Từng giọt máu trong người con đập khẽ,
Máu bây giờ đâu có của riêng con?
1972
Bằng Việt
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự tác động của chat GPT đến khả năng tư duy, sáng tạo của con người.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giải thích: ChatGPT là gì?
+ Ý nghĩa của ChatGPT: Cung cấp thông tin nhanh chóng, đa dạng; hỗ trợ gợi ý ý tưởng, giải quyết vấn đề; phát triển tư duy phản biện,...
+ Những tác động tiêu cực của ChatGPT đối với tư duy và sáng tạo của con người: Gây ra tâ lí ỷ lại, lười suy nghĩ; hạn chế tính độc lập trong tư duy, hạn chế sự sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề,...
+ Giải pháp: Sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ chứ không phải là thay thế tư duy cá nhân; luôn có ý thức kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính chính xác; chủ động rèn luyện tư duy phản biện và sáng tạo thông qua việc tự nhiên cứu thay vì tập trung vào ChatGPT,...
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Mẹ”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Về nội dung: Bài thơ nói về tình yêu, lòng biết ơn, sự trân trọng của một người lính dành cho người mẹ. Người mẹ ấy đã yêu thương, chăm sóc người chiến sĩ như đối với những đứa con ruột thịt của mình. Tình cảm ấy được người con cảm nhận qua những chi tiết:
++ Tiếng chân mẹ đi lặng lẽ, để người chiến sĩ có thể yên giấc nghỉ ngơi, tịnh dưỡng sau khi bị thương.
++ Người mẹ lo cho con từng miếng ăn: "Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào/ Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế/ Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế".
++ Người mẹ coi người chiến sĩ như con cái trong nhà, kể con nghe chuyện của ông, chuyện làm ăn; ngắm nhìn "con hồng sắc mặt",...
++ Người mẹ xúc động khi người chiến sĩ sắp đến ngày rời đi.
++ Người chiến sĩ thấu hiểu, đồng cảm, biết ơn hoàn cảnh, tình yêu thương, sự chăm sóc mà người mẹ dành cho mình nên lúc nào cũng nhớ thương, lo lắng cho mẹ. Để rồi, người chiến sĩ có sự chuyển biến trong nhận thức: Anh chiến đấu không phải vì bản thân mà còn vì mẹ, vì quê hương, xứ xở: "Từng giọt máu trong người con đập khẽ,/ Máu bây giờ đâu có của riêng con?".
=> Chính tình yêu, sự săn sóc của người mẹ đã vun lên trong người chiến sĩ tình yêu sâu sắc dành cho quê hương, đất nước.
+ Nghệ thuật:
++ Thể thơ tám chữ với cách ngắt nhịp linh hoạt, phù hợp diễn tả cảm xúc chân thành, dạt dào.
++ Hình ảnh thơ bình dị, quen thuộc, giàu tính gợi cảm khi khơi gợi trong lòng người chiến sĩ hình ảnh về người mẹ và những điều bình dị gắn với mẹ.
++ Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng thể hiện tâm trạng của người con khi nhớ mẹ.
++ Sự kết hợp giữa nhiều biện pháp tu từ giúp cho lời thơ thêm hàm súc, giàu sức gợi hơn.
(HS có thể khai thác thêm những yếu tố khác dựa trên hiểu biết của bản thân, sao cho có kiến giải hợp lí, thuyết phục.)
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.