Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra cuối học kì II - Đề số 3 SVIP
Đọc đoạn trích sau:
[…]
Nhớ năm Giôn-xơn đánh phá liên miên
Cháu sơ tán tận trên Hà Bắc,
Ba mươi Tết, đạp về quê cập rập,
Đêm không trăng, bà đi nấu xoong chè
Bếp nhỏ lui cui che chắn bốn bề
In hệt túp lều năm xưa kháng chiến
(Có con chim xa kêu mùa vải chín
Đom đóm bay xanh đặc cả cây vườn!)
Cái năm cuối cùng bom đạn Ních-xơn
Bà sơ tán tận trên Triều Khúc
Làng xa tắp, nằm kề bên Bến Đục,
Giếng thơi xa, đi kéo nước một mình!
Cháu lên thăm, thắc thỏm mãi không đành,
Sắp đặt vội, để còn vào Quảng Trị,
Bà an ủi: “Dào ôi! Mày cứ vẽ,
Vào trong kia còn bom đạn bao nhiêu!”
Bãi cỏ lau già, bà đứng, dáng xiêu xiêu,
Cành xoan mảnh trên tay làm gậy chống.
Gió xa tắp, đồng tháng Năm lồng lộng,
Tóc phơ phơ, hắt đỏ ráng chiều...
Và cháu đi, không kịp nghĩ chi nhiều
Đến những ngày bà bắt đầu đau yếu...
Tháng Tám nước to, chỗ bà khuất nẻo,
Tháng Mười hai, dồn dập B.52!
Mười năm rồi, bà ạ!
Cháu chẳng có gì hơn trong phút tiễn đưa bà!
Giờ bà đã nằm trên đất đồng làng
Con đường cũ cháu về. Gắt gao màu nắng đỏ.
Cuộc đời bà đã qua tất cả
Lẳng lặng, khiêm nhường, không dấu tích gì!
Mười năm
Cháu dần lớn, nên người.
Rất nhiều điều phải đi đến tận cùng,
Chỉ có lòng bà thương
Đi bao giờ hết được?
(Bằng Việt, Tuyển tập thơ Bằng Việt)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.
Câu 2. Chủ đề của đoạn trích là gì?
Câu 3. Xác định nghĩa của từ ngữ in đậm trong các trường hợp sau
a. Bà an ủi: “Dào ôi! Mày cứ vẽ,
Vào trong kia còn bom đạn bao nhiêu!”
b. Trong bức tranh, nét vẽ của con bé còn non.
Câu 4. Hình ảnh người bà được thể hiện thế nào thông qua các từ ngữ, hình ảnh trong đoạn thơ sau?
Cái năm cuối cùng bom đạn Ních-xơn
Bà sơ tán tận trên Triều Khúc
Làng xa tắp, nằm kề bên Bến Đục,
Giếng thơi xa, đi kéo nước một mình!
Cháu lên thăm, thắc thỏm mãi không đành,
Sắp đặt vội, để còn vào Quảng Trị,
Bà an ủi: “Dào ôi! Mày cứ vẽ,
Vào trong kia còn bom đạn bao nhiêu!”
Bãi cỏ lau già, bà đứng, dáng xiêu xiêu,
Cành xoan mảnh trên tay làm gậy chống.
Gió xa tắp, đồng tháng Năm lồng lộng,
Tóc phơ phơ, hắt đỏ ráng chiều...
Câu 5. Từ nội dung của bài thơ, anh/chị có suy nghĩ gì về giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi người?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm) Nhân vật trữ tình: người cháu.
Câu 2. (0.5 điểm) Chủ đề của đoạn trích: Hình ảnh và tấm lòng thương cháu của bà trong kí ức của người cháu.
Câu 3. (1.0 điểm)
a. vẽ: (khẩu ngữ) bày đặt thêm cái không cần thiết.
b. vẽ: tạo hoặc gợi ra hình ảnh sự vật trên một mặt phẳng bằng các đường nét, màu sắc.
Câu 4. (1.0 điểm)
– Bà chịu nhiều vất vả: Sống trong cảnh bom đạn, phải “sơ tán tận trên Triều Khúc”, “đi kéo nước một mình”.
– Bà là người lạc quan trong hoàn cảnh nguy nan, khốn khó: “Dào ôi! Mày cứ vẽ,/ Vào trong kia còn bom đạn bao nhiêu!”, không muốn cháu lo lắng cho mình.
– Bà già yếu, đến tuổi xế chiều: “dáng xiêu xiêu”, “Cành xoan mảnh trên tay làm gậy chống”, “Tóc phơ phơ, hắt đỏ ráng chiều”.
--> Hình ảnh người bà đến tuổi xế chiều, không có ai bên cạnh chăm sóc, chịu nhiều vất vả, lo toan. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, bà vẫn lạc quan.
Câu 5. (1.0 điểm)
– Học sinh trình bày quan điểm của mình về giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi người.
– Gợi ý:
+ Giúp gắn kết các thế hệ, những người cùng chung huyết thống.
+ Mang lại không gian hạnh phúc cho mỗi người, giúp mỗi người cảm nhận được tình cảm yêu thương mà mình nhận được.
+ Giúp mỗi người có được một chỗ dựa tinh thần vững chắc, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
+…
(Học sinh nêu được tối thiểu 02 ý nghĩa/ giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi người)
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc – hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm) Thực trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở các thành phố lớn của Việt Nam:
Ngày 31/10/2024, Báo Tuổi trẻ đưa tin: Trời Hà Nội mờ đục vì ô nhiễm, một số nơi không khí ở mức nguy hại.
Ngày 28/12/2024, Báo Thanh niên đưa tin: Sáng nay, ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh ở mức cảnh báo đỏ.
Với góc nhìn của người trẻ, theo anh/chị, làm thế nào để hạn chế ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở nước ta?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc – hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm: “đạp về quê cập rập”, “bếp nhỏ lui cui”, “Đom đóm bay xanh đặc cả cây vườn”, “thắc thỏm mãi không đành”, “dáng liêu xiêu”, “đồng tháng Năm lồng lộng”, “tóc phơ phơ”,… thể hiện rõ tình cảm yêu thương của cháu dành cho bà và hình ảnh người bà đến tuổi xế chiều.
+ Sử dụng các biện pháp tu từ:
++) Liệt kê: “dáng liêu xiêu”, “tóc phơ phơ”, “bãi cỏ lau già”,… thể hiện rõ nét hình ảnh của người bà già yếu.
++) Câu hỏi tu từ “Chỉ có lòng bà thương/ Đi bao giờ hết được?” thể hiện tấm lòng thương cháu vô bờ của bà.
++) Nói giảm nói tránh “Giờ bà đã nằm trên đất đồng làng”: Người bà già yếu, đáng thương đã khuất. Qua đó, thấy được nỗi buồn tủi, xót xa của cháu trước việc bà đã đi xa.
+ Thể thơ tự do giúp chủ thể trữ tình bộc bạch nỗi lòng thương xót, yêu thương dành cho bà của mình.
(Học sinh cần nêu được tối thiểu 02 đặc sắc nghệ thuật kèm bằng chứng, lí giải phù hợp)
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Làm thế nào để hạn chế ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở nước ta?
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn bạc, giải quyết.
* Thân bài:
+ Giải thích: Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí, chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí lạ được đưa vào không khí.
+ Thực trạng: Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khoẻ con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Trong đó, thành phố Hà Nội đứng đầu bảng về chỉ số ô nhiễm không khí. Hơn 1.300 người ở TP Hồ Chí Minh tử vong mỗi năm gây ra do sự ô nhiễm không khí.
+ Nguyên nhân: Từ giao thông vận tải; các hoạt động của xây dựng, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt; các yếu tố khí hậu, thời tiết;…
+ Tác hại: Có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và cũng có thể gây hại cho sinh vật khác như động vật và cây lương thực,…
+ Giải pháp:
++) Phủ xanh thành phố, tích cực phát động phong trào, chiến dịch trồng cây xanh.
++) Phát triển giao thông công cộng, hạn chế khí thải từ xe hơi cá nhân.
++) Nâng cao ý thức của người dân trong việc xử lí rác thải trước khi đưa chúng ra môi trường.
++) …
(Học sinh cần đưa ra tối thiểu 02 giải pháp phù hợp với những lí giải, bằng chứng thuyết phục)
* Kết bài: Khẳng định lại ý kiến về tầm quan trọng của việc khắc phục, giải quyết vấn đề, rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.