Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra cuối học kì II (Đề số 6) SVIP
Đọc văn bản sau:
BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG
(Nguyễn Bính)
... Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang...”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.
Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.
Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.
Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.
Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.
Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.
Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.
Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tàu.
Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn...”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.
Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.
Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng...
(Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chủ đề của bài thơ là gì?
Câu 2. Trong đoạn thơ sau, vẻ đẹp quê hương được “tôi” ngợi ca ở khía cạnh nào?
Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.
Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tàu.
Câu 3. Dựa vào ngữ cảnh, hãy xác định nghĩa của từ “vàng” trong trường hợp sau:
Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng.
Câu 4. Phân tích giá trị của biện pháp tu từ điệp cấu trúc “Quê hương tôi có…” được sử dụng trong bài thơ.
Câu 5. Qua bài thơ trên, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì?
Câu 6. Tác phẩm “Bài thơ quê hương” của Nguyễn Bính đã khắc sâu vào lòng người đọc những nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước ta. Em tự hào nhất về nét đẹp văn hóa nào của nơi mình được sinh ra? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm) Chủ đề của bài thơ: Niềm tự hào về vẻ đẹp, giá trị truyền thống văn hóa của quê hương.
Câu 2 (0,5 điểm) Vẻ đẹp quê hương được “tôi” ngợi ca ở khía cạnh: Sự trù phú về sản vật gắn với từng địa danh, từng vùng đất.
Câu 3 (1,0 điểm) Nghĩa của từ “vàng” trong hai dòng thơ “Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất/ “Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng.”: Ánh sáng vằng vặc của trăng, phủ kín đêm đen, chứng kiến cảnh đất nước bị đô hộ. Từ ngữ được dùng gợi tả không gian đêm tối nhưng không mờ mịt mà luôn có ánh sáng ấm áp cũng như đất nước đang trong cảnh nguy nan nhưng vẫn sẽ có ánh sáng dẫn lối đến thắng lợi.
Câu 4 (1,0 điểm) Giá trị của biện pháp tu từ điệp cấu trúc “Quê hương tôi có…”:
Câu 5 (1,0 điểm)
– Học sinh trình bày những thông điệp mà mình tiếp nhận được sau khi đọc bài thơ.
Câu 6 (2,0 điểm)
– Học sinh trình bày được về một nét đẹp văn hóa của nơi mình được sinh ra.
(4,0 điểm) Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý, kính trọng nhất.
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Biểu cảm.
b. Xác định đúng chủ đề của bài viết: Bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý, kính trọng nhất.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn:
* Mở bài:
+ Giới thiệu được người mà em muốn biểu lộ cảm xúc.
+ Giới thiệu được cảm xúc sâu sắc dành cho người đó.
* Thân bài:
+ Biểu lộ tình cảm, cảm xúc sâu sắc của em dành cho người đó.
+ Sử dụng kết hợp các chi tiết miêu tả khi bộc lộ cảm xúc.
+ Sử dụng kết hợp các chi tiết tự sự khi bộc lộ cảm xúc.
* Kết bài:
+ Khẳng định được tình cảm, cảm xúc dành cho người đó.
+ Rút ra được điều đáng nhớ đối với bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề, có cách diễn đạt mới mẻ.