Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề số 1 SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
I. ĐỌC HIỂU (4.0 ĐIỂM)
TIẾC THƯƠNG SINH THÁI
Bước sang năm 2022, chúng ta nghe thấy và nhìn thấy biến đổi khí hậu ở mọi nơi, cả ở ngoài đời thực, cả trong ngôn ngữ và trong nghệ thuật. Giữa một thế giới nơi tất cả các giọng nói - hay thậm chí là giọng hát - đều gợi nhắc về một thảm kịch toàn cầu đang cận kề, biến đổi khí hậu đã đi vào tâm thức của mọi người và tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần. Một hậu quả đáng chú ý là sự xuất hiện của hiện tượng tâm lí “tiếc thương sinh thái” (ecological grief).
Cụm từ “tiếc thương sinh thái” xuất hiện lần đầu trong một bài viết vào năm 2018 của hai nhà khoa học xã hội Ashlee Cunsolo và Neville R. Ellis, trong đó họ định nghĩa tiếc thương sinh thái là nỗi đau khổ trước những mất mát về sinh thái mà con người hoặc là đã trải qua, hoặc là tin rằng đang ở phía trước. Những mất mát này có thể đa dạng, ví dụ như sự biến mất của các loài sinh vật hay sự thay đổi ở các cảnh quan quan trọng đối với đời sống tinh thần, song điểm chung là chúng đều do biến đổi khí hậu gây ra và đều khiến tâm trí con người phản ứng tương tự như khi mất người thân. Theo Cunsolo và Ellis, tiếc thương sinh thái là một phản ứng có thể đoán trước được, nhất là ở những cộng đồng vẫn còn sinh sống, làm việc và giữ các mối quan hệ văn hoá mật thiết với môi trường tự nhiên. Hai tác giả này đưa ra hai trường hợp cụ thể: những người Inuit ở miền Bắc Canada và những người làm nghề trồng trọt ở Australia. Lúc được hỏi về sự thay đổi môi trường chóng vánh ở nơi mình sống, cả hai cộng đồng này đều có chung những cảm xúc như nỗi thất vọng, u sầu, hay thậm chí là ý nghĩ muốn tự sát, mặc dù họ sinh sống ở hai nơi hoàn toàn khác nhau về mặt địa lí, phong tục tập quán, và còn bị ảnh hưởng bởi các loại thiên tai hoàn toàn khác nhau.
[...] Như bất kì vấn đề sức khỏe tâm thần nào khác, nỗi tiếc thương sinh thái ăn sâu vào tâm trí một người và thường xuyên đẩy họ vào trạng thái khủng hoảng hiện sinh. Cunsolo và Ellis ghi nhận câu trả lời của một người Inuit như sau: “Inuit là dân tộc băng biển. Băng biển không còn, làm sao chúng tôi còn là dân tộc băng biển được nữa?”. Và những cảm xúc như vậy thực sự cũng chẳng còn xa lạ gì nữa: khi rừng Amazon bốc cháy năm 2019, các tộc người bản địa ở Brazil như người Tenharim, người Guató và người Guarani đều đã nói rằng họ đang mất hết tất cả và khó có thể gìn giữ được truyền thống văn hoá của mình khi mà cánh rừng quê hương đang bốc cháy ngùn ngụt. [...] Có thể thấy, đối với người ở nơi “tiền tuyến” của biến đổi khí hậu - cho dù là cộng đồng địa phương hay là các nhà nghiên cứu thực địa, việc chứng kiến và cảm nhận trực tiếp hậu quả của biến đổi khí hậu đã để lại tác động tâm lí nghiêm trọng, bởi những người này đã lâu ngày gần gũi và gắn bó với môi trường đang bị hủy hoại. [...]
Tiếc thay, sau hàng thập kỉ biết đến mối nguy hại của biến đổi khí hậu, nỗi tiếc thương sinh thái đã bắt đầu ảnh hưởng tới cả người ở hậu phương. Tháng 12/2021, Caroline Hickman và cộng sự công bố một cuộc thăm dò về cảm xúc trước biến đổi khí hậu của 1,000 trẻ em và thanh thiếu niên từ mỗi quốc gia trong tổng số 10 nước Anh, Australia, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Brazil, Hoa Kì, Nigeria, Pháp, Phần Lan và Philippines. Trong số những người được hỏi, 59% thấy “rất hoặc cực kì lo” về biến đổi khí hậu, và 45% thừa nhận rằng cảm xúc của họ về biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường ngày. Nỗi lo về biến đổi khí hậu và sự chấp nhận tận thế đang cận kề đều là các cảm xúc không hiếm gặp ở những người trẻ ngày nay, nhất là kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
(Nguyễn Bình, Báo điện tử Tia sáng, 25/1/2022)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Theo bài viết trên, hiện tượng tiếc thương sinh thái là gì?
Câu 2. Bài viết trên trình bày thông tin theo trình tự nào?
Câu 3. Tác giả đã sử dụng những bằng chứng nào để cung cấp thông tin cho người đọc?
Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về cách tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu của tác giả trong văn bản.
Câu 5. Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị nhận được từ bài viết trên là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Tiếc thương sinh thái là những phản ứng tâm lí mạnh mẽ của con người trước sự biến đổi của môi trường sinh thái. | 0.5 |
2 | Bài viết trình bày thông tin theo phạm vi ảnh hưởng của đối tượng. | 0.5 |
3 | Tác giả đã sử dụng một số bằng chứng sau: - Các nghiên cứu để giải thích sự xuất hiện của hiện tượng. - Các ví dụ thực tiễn được ghi lại. - Các số liệu được nghiên cứu. | 1.0 |
4 | HS đưa ra nhận xét về cách tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu của tác giả, có thể theo hướng: Tác giả không nhìn vấn đề biến đổi khí hậu như một hiện tượng tự nhiên với những ảnh hưởng về đời sống vật chất của con người mà phát hiện những ảnh hưởng "đã đi sâu vào tâm thức của mọi người, tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần". | 1.0 |
5 | HS đưa ra thông điệp sâu sắc đối với bản thân, ví dụ: - Biến đổi khí hậu không chỉ tác động đến môi trường tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tâm linh của con người. - Hiện tượng tiếc thương sinh thái là vấn đề của cuộc sống hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần có hành động để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc. | 1.0 |
II. VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. (2.0 điểm) Từ phần đọc hiểu, viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Câu 2. (4.0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hình tượng người ẩn sĩ được khắc họa qua hai bài thơ sau:
NHÀN
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, NXB Khoa học Xã hội, 2021)
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
(Nguyễn Khuyến, NXB Hội Nhà văn, 2015)
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. | 2.0 |
| a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: Đoạn văn 200 chữ. HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. | 0.25 |
| b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. | 0.25 |
| c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: - Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Sức khỏe, chất lượng đời sống của con người được đảm bảo. + Hệ sinh thái được bảo vệ, cân bằng. + Góp phần giúp xã hội phát triển tốt đẹp. - Sắp xếp được hệ thống ý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. | 0.5 |
| d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. - Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. | 0.5 |
| đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. | 0.25 |
| e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 |
2 | Viết bài văn (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hình tượng người ẩn sĩ được khắc họa qua hai bài thơ: Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Thu vịnh (Nguyễn Khuyến). | 4.0 |
| a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học - so sánh hai tác phẩm thơ. | 0.5 |
| b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: So sánh hình tượng người ẩn sĩ được khắc họa qua hai bài thơ: Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và Thu vịnh (Nguyễn Khuyến). | 0.5 |
| c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: - Xác định được các ý chính của bài viết. - Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận. * Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận: - Giới thiệu chung về hai tác giả, hai tác phẩm. - Điểm tương đồng: Đều khắc họa hình tượng người ẩn sĩ cao khiết, lựa chọn lối sống "độc thiện kì nhân" giữa thời buổi loạn lạc để giữ gìn phẩm cách, hòa mình vào thiên nhiên để lánh xa thời thế nhiễu nhương. - Điểm khác biệt: + Trong bài thơ Nhàn: Người ẩn sĩ tận hưởng lối sống thanh nhàn, bình dị giữa thiên nhiên, coi nhẹ giá trị vật chất, danh lợi tầm thường, thể hiện nhân cách thanh cao với triết lí nhàn, quan niệm về lẽ dại - khôn. + Trong bài thơ Thu vịnh: Người ẩn sĩ tưởng say đắm với cảnh thu nhưng thực chất lại mang nặng nỗi ưu tư thế sự, niềm đau mất nước, thể hiện sự hổ thẹn với tấm gương Đào Tiềm. - Lí giải nguyên nhân của sự tương đồng và khác biệt: + Hoàn cảnh lịch sử. + Tâm thế sáng tác. + Phong cách sáng tác. - Trình bày nhận xét, đánh giá về ý nghĩa, đóng góp của mỗi tác phẩm. | 1.0 |
| d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Triển khai được đầy đủ các luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận. - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. | 1.0 |
| đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. | 0.5 |
| e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |