Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của Phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên SVIP
Đọc văn bản sau:
CHIỀU THU QUÊ HƯƠNG
Chiều thu trong, lá trúc vờn đẹp quá.
Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ
Tiếng lao xao như ai ngả nón chào.
Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao,
Giếng trong lẻo, trời xanh in thăm thẳm.
Chiều thu quê hương sao mà đằm thắm!
Tôi bước giữa vườn, bạn với hàng cau
Hút nắng tơ vàng như những đài cao
Đứng lồng lộng, thu tiếng chiều vàng rợi.
Vồng khoai lang xòe lá ra nằm sưởi
Cùng với gà mẹ xòe cánh ấp con.
Ở trước sân nhà mấy đống gạch son,
Hố vôi trắng nằm đợi ngày xây dựng.
Trời thu trong em bé cười má ửng;
Như cây sai mẹ đứng giữa chùm con.
Chiều thu vàng vàng rực cả tâm hồn
Của đất nước đang bồi da thắm thịt.
Gió biển mặn thổi về đây tha thiết;
Những con chim phơi phới cánh, chiều thu
Náo nức như triều, êm ả như ru…
(Huy Cận, Chiều thu quê hương, in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, 1958)
* Ghi chú: Huy Cận sáng tác “Chiều thu quê hương” năm 1958. Bài thơ toát lên vẻ đẹp nên thơ, yên bình của buổi chiều thu khi miền Bắc đã sạch bóng quân thù.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Bài thơ trên thuộc thể thơ nào? Chỉ rõ cách gieo vần chân trong bốn câu thơ đầu.
Câu 2 (1,0 điểm). Vẻ đẹp quê hương được tác giả khắc họa qua những hình ảnh nào ở đoạn thơ sau? Việc miêu tả như vậy có tác dụng gì?
Đứng lồng lộng, thu tiếng chiều vàng rợi.
Vồng khoai lang xòe lá ra nằm sưởi
Cùng với gà mẹ xòe cánh ấp con.
Ở trước sân nhà mấy đống gạch son,
Câu 3 (0,5 điểm). Từ hoàn cảnh ra đời của bài thơ, em hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai câu thơ “Chiều thu vàng vàng rực cả tâm hồn/Của đất nước đang bồi da thắm thịt.”?
Câu 4 (1,0 điểm). Biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ “Những con chim phơi phới cánh chiều thu/Náo nức như triều, êm ả như ru...” mang lại hiệu quả gì trong việc biểu hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả?
Câu 5 (1,0 điểm). Bài thơ gợi ta nhớ đến những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống. Hãy chia sẻ một khoảnh khắc như vậy và nêu ý nghĩa của khoảnh khắc đó đối với em.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
- Thể thơ: Tám chữ.
- HS chỉ rõ cách gieo vần chân: đoạn thơ được gieo vần liền “a”, “ao” ở các tiếng “quá”- “rạ”, “chào”- “sao”.
Câu 2 (1,0 điểm).
- Hình ảnh miêu tả vẻ đẹp quê hương: "đứng lồng lộng", "tiếng chiều vàng rợi", "vồng khoai xòe lá nằm sưởi", "gà mẹ xòe cánh ấp con", "mấy đống gạch son".
- Tác dụng: Gợi lên hình ảnh bức tranh chiều thu quê hương sống động, bình yên, mang nét đẹp bình dị, thân thuộc của làng quê Việt Nam.
Câu 3 (0,5 điểm). HS bám sát hoàn cảnh sáng tác bài thơ để nêu cách hiểu về hai câu thơ một cách thuyết phục nhất.
Gợi ý: Hai câu thơ thể hiện cảm xúc vui sướng, tự hào, tràn đầy niềm tin của tác giả khi miền Bắc được giải phóng, hồi sinh, phát triển,... sau những năm tháng chiến tranh gian khổ.
Câu 4 (1,0 điểm).
- Chỉ ra biện pháp so sánh: So sánh "Những con chim phơi phới cánh” với hình ảnh dòng thủy triều lên náo nức, và với điệu ru êm ả.
- Tác dụng:
+ Làm cho câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, giàu cảm xúc.
+ Gợi lên dòng cảm xúc thiết tha, bồi hồi, vui sướng, say mê của tác giả khi ngắm nhìn vẻ đẹp bình yên của chiều thu quê hương.
+ Qua đó, tác giả cũng bộc lộ tình yêu quê hương, niềm hạnh phúc khi hòa bình trở lại.
Câu 5 (1,0 điểm).
- HS chia sẻ một khoảnh khắc đem đến cảm giác bình yên trong cuộc sống (Ví dụ: Khoảnh khắc đắm mình giữa thiên nhiên, bữa cơm gia đình, khoảnh khắc nhận được lời động viên,...)
- Nêu ý nghĩa của khoảnh khắc đó đối với bản thân (Ví dụ: Khiến tâm hồn thư thái, gắn kết yêu thương với mọi người, xua tan mọi lo lắng, áp lực,...)
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích sáu dòng thơ đầu của văn bản “Chiều thu quê hương” trong phần đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (400 chữ) bàn về ý nghĩa của tinh thần tự học đối với học sinh hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm).
a. Đảm bảo dung lượng, cấu trúc đoạn văn phân tích một đoạn thơ: Mở đoạn giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ và nội dung chủ đề, đặc sắc nghệ thuật; thân đoạn phân tích làm rõ được nội dung chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ; kết đoạn khái quát, tổng hợp lại.
b. Xác định đúng yêu cầu phân tích: phân tích nội dung chủ đề, đặc sắc nghệ thuật và hiệu quả thẩm mĩ của một số yếu tố nghệ thuật trong đoạn thơ.
c. HS có nhiều cách diễn đạt khác nhau xong cần phân tích bám sát các dấu hiệu nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.
Gợi ý:
* Nội dung chủ đề: Vẻ đẹp bình yên, thơ mộng, thân thuộc, ấm áp, giàu sức sống của quê hương vào buổi chiều thu.
* Đặc sắc nghệ thuật:
- Bài thơ sử dụng nhiều từ láy, tính từ giàu sức gợi (lao xao, thăm thẳm, đằm thắm, xanh nhung, vàng rực, trong lẻo,...), ngôn ngữ giản dị, hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc (lá trúc, lá mía, mái rạ, hoa mướp, giếng,...)
- Nghệ thuật tu từ:
+ Nhân hóa “Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ”.
+ So sánh “Tiếng lao xao như ai ngả nón chào”, “Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao".
+ Điệp từ: “Chiều thu”.
=> Đoạn thơ làm nổi bật vẻ đẹp sống động, nên thơ của chiều thu và tâm trạng náo nức, hạnh phúc, say mê khi đón nhận cuộc sống hòa bình đã về với quê hương; thể hiện sự gắn bó, tình yêu và niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước,...Từ đó bồi đắp trong mỗi chúng ta tình yêu đất nước, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương giàu đẹp.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về đoạn thơ, có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm).
a. Đảm bảo độ dài, cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của tinh thần tự học đối với học sinh hiện nay.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
2. Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
* Giải thích:
- Tự học là quá trình tự bản thân chủ động tìm hiểu, khám phá và tiếp thu kiến thức mà không phụ thuộc hoàn toàn vào sự hướng dẫn của giáo viên hay người khác.
- Tinh thần tự học được thể hiện qua sự chủ động tìm tòi tài liệu, đặt câu hỏi và tự giải quyết vấn đề, kiên trì rèn luyện kỹ năng và không ngừng học hỏi từ thực tiễn cuộc sống.
* Ý nghĩa của tinh thần tự học:
+ Trước hết, tự học giúp học sinh hoàn thiện bản thân. Khi tự học, các em rèn luyện được tính tự giác, kỷ luật và khả năng quản lý thời gian, từ đó phát triển tư duy độc lập và sáng tạo.
+ Bên cạnh đó, tự học giúp học sinh tìm thấy hứng thú trong việc học tập, biến quá trình học trở thành niềm vui thay vì là gánh nặng.
+ Khi tự học, các em được tự do lựa chọn phương pháp phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu và nhớ bài lâu hơn. Hơn nữa, tự học góp phần cải thiện kết quả học tập, bởi khi chủ động học hỏi, học sinh sẽ nắm chắc kiến thức và ứng dụng linh hoạt hơn.
+ Không chỉ dừng lại ở phạm vi học đường, tinh thần tự học còn là yếu tố quan trọng giúp các em đạt được thành công trong tương lai, bởi xã hội luôn đòi hỏi con người phải không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng mới.
+ Ngoài ra, mỗi cá nhân có ý thức tự học sẽ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của xã hội, bởi tri thức là nền tảng của mọi thành công.
Bằng chứng: Tấm gương của Khánh Vy - cô gái nổi tiếng với khả năng tự học tiếng Anh qua các phương tiện truyền thông - là minh chứng rõ ràng cho tinh thần tự học. Nhờ sự kiên trì và chủ động học tập, cô đã đạt được nhiều thành công và truyền cảm hứng cho hàng triệu bạn trẻ.
* Ý kiến trái chiều và phản biện:
- Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh những học sinh có ý thức tự học tốt, vẫn còn nhiều học sinh chưa quan tâm đúng mức đến việc tự học. Nhiều bạn học sinh còn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hướng dẫn của thầy cô, thiếu sự chủ động tìm hiểu kiến thức ngoài sách giáo khoa.
- Một số bạn lại cho rằng học tập không phải là con đường duy nhất để thành công, từ đó thiếu động lực trong việc tự học.
- Nếu tình trạng này tiếp diễn, các bạn sẽ dễ tụt hậu so với bạn bè, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và khó thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống.
* Giải pháp:
- Để khắc phục tình trạng này, mỗi học sinh cần nhận thức rõ ràng rằng tự học mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ giúp tích lũy kiến thức mà còn hình thành các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Trước hết, học sinh cần hiểu rằng tự học là nền tảng để phát triển bản thân và đạt được thành công lâu dài. Khi nhận thức được điều này, các em sẽ có động lực để chủ động học tập.
- Tiếp theo, học sinh cần xác định mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng. Việc đề ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp các em định hướng rõ ràng cho quá trình học tập và không bị chán nản.
- Khi đã có mục tiêu thì các bạn học sinh cần xây dựng kế hoạch học tập chi tiết theo từng giai đoạn, phân bổ thời gian hợp lý giữa học tập và giải trí, từ đó nâng cao hiệu quả học tập.
- Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển, học sinh nên tận dụng internet và các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Google, các khóa học trực tuyến để mở rộng kiến thức và học hỏi thêm kỹ năng mới.
3. Kết bài: Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học nhận thức và hành động, thông điệp.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.