Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của quận Đống Đa SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
Đọc văn bản sau:
Chung nghĩa đồng bào
Tác giả: Trương Ngọc Ánh
Bao sinh linh oằn trong sóng dữ
Mắt người bầm chớp giật mưa chan
Bao thảm cảnh trời nghiêng núi lở
Biết mấy đau thương ập xuống cơ hàn
Những phận người trôi theo bọt lũ
Sóng Thủy Tinh cuộn đỏ Hồng Hà
Những mái ấm bỗng vùi trong lòng đất
Miền Bắc đau khi bão tố tràn qua
Vâng là nỗi đau quặn thắt
Ơi bí bầu chung núm ruột liền nhau
Một miếng sẻ chia tình đồng bào cao cả
Nối vòng tay bắc lại nhịp cầu
Cơn ấm lạnh thấm vào tình dân tộc
Ngựa chung tàu đâu quản buổi gian nan
Tình ruột thịt vỗ về nhân ái
Chảy hồng tươi dòng máu Việt Nam.
(Báo Mới trang thông tin điện tử 11/9/2024 - Những trang thơ xúc động viết về cơn bão Yagi)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2 (1,0 điểm). Ghi lại những từ ngữ khắc họa hình ảnh cơn bão Yagi mà tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ đầu. Qua những từ ngữ đó, cơn bão Yagi hiện lên như thế nào trong tâm trí của tác giả?
Câu 3 (0,5 điểm). Em hiểu thế nào về hình ảnh “Bao sinh linh oằn trong sóng dữ”?
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra một biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ:
“Những mái ấm bỗng vùi trong lòng đất
Miền Bắc đau khi bão tố tràn qua”
Câu 5 (1,0 điểm). Biến đổi khí hậu đang làm tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán,... Và miền Bắc nước ta vừa phải trải qua cơn bão Yagi khủng khiếp. Theo em, cần làm gì để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu ở nước ta nói riêng và toàn cầu nói chung?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm). Thể thơ: Tự do.
Câu 2 (1,0 điểm).
- Những từ ngữ khắc họa hình ảnh cơn bão Yagi mà tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ đầu: sóng dữ, chớp giật, mưa chan, trời nghiêng núi lở,...
- Qua những từ ngữ đó, cơn bão Yagi hiện lên trong kí ức của tác giả là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng, để lại bao thảm cảnh, đau thương mất mát,...
Câu 3 (0,5 điểm).
Hình ảnh “Bao sinh linh oằn trong sóng dữ” gợi:
- Cảnh sinh linh đang oằn mình trước cơn sóng dữ.
- Sự sống đang bị đe dọa, đồng thời gợi sự đau thương, mất mát.
- Cảnh tượng kinh hoàng.
- Sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão.
Câu 4 (1,0 điểm). Học sinh chỉ ra một biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả:
- Biện pháp tu từ nhân hóa: Miền Bắc đau
- Tác dụng: Nêu đúng tác dụng của biện pháp tu từ trong dòng thơ.
Câu 5 (1,0 điểm).
Học sinh tự trả lời theo nhận thức, quan điểm cá nhân. Gợi ý:
- Cần nhận thức đúng đắn về tác hại của việc biến đổi khí hậu và ý nghĩa của việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu.
- Cần hành động:
+ Tiết kiệm năng lượng.
+ Sử dụng phương tiện ít ô nhiễm.
+ Giảm thiểu rác thải.
+ Mua sắm thông minh.
+ Trồng nhiều cây xanh.
+ Sử dụng năng lượng tái tạo
+ Tham gia vào các hoạt động vận động bảo vệ môi trường.
Câu 1 (2 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích 8 dòng thơ đầu của văn bản “Chung nghĩa đồng bào” trích trong phần đọc hiểu.
Câu 2 (4 điểm).
"Cơn ấm lạnh thấm vào tình dân tộc
Ngựa chung tàu đâu quản buổi gian nan
Tình ruột thịt vỗ về nhân ái
Chảy hồng tươi dòng máu Việt Nam."
Siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn và mọi thứ trở nên mong manh trước thiên nhiên khắc nghiệt. Vì nghĩa đồng bào, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay ủng hộ, chia sẻ mất mát với đồng bào vùng lũ. Từ nội dung những câu thơ trên, kết hợp với hiểu biết xã hội, em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) để trả lời câu hỏi: Nên ứng xử thế nào với những người chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi vừa qua?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm).
1, Đảm bảo cấu trúc đoạn văn phân tích một đoạn thơ:
+ Dung lượng: 200 chữ.
+ Đúng hình thức đoạn văn.
2, Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.
Sau đây là một số hướng gợi ý:
a. Mở đoạn
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới hạn phân tích, nội dung khái quát.
b. Thân đoạn
Học sinh biết bám sát ngữ liệu và khai thác hiệu quả các tín hiệu nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, cách ngắt nhịp, biện pháp nghệ thuật nhân hóa, phép đối, ẩn dụ,...) để làm rõ bốn dòng thơ đầu bài “Bão”.
c. Kết đoạn
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
- Chỉ ra thông điệp.
Câu 2 (4.0 điểm).
1, Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận xã hội:
+ Đảm bảo dung lượng 400 chữ.
+ Đúng hình thức bài văn (Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề).
+ Lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng phù hợp, diễn đạt mạch lạc, hoàn chỉnh, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp.
2, Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
a. Mở bài
- Dẫn dắt phù hợp.
- Nêu vấn đề: Cách ứng xử đúng đắn của mỗi chúng ta với những người chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi vừa qua.
b. Thân bài
* Giải thích vấn đề nghị luận: Thế nào là cách ứng xử đúng đắn với những người chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi?
* Bàn luận:
- Nêu được những cách ứng xử đúng đắn của mỗi chúng ta với những người xung quanh,d dặc biệt là những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi vừa qua (đưa ra lí lẽ và dẫn chứng, phân tích làm sáng tỏ vấn đề nghị luận, bàn luận thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa,...)
- Liên hệ bản thân rút ra bài học cho mình và mọi người:
+ Bài học nhận thức.
+ Bài học hành động.
c. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
* Lưu ý: Không cho điểm những bài viết có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, trái pháp luật và thuần phong mĩ tục Việt Nam.