Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề thi thử của trường THPT chuyên Sơn Tây SVIP
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
NHỚ CƠN MƯA QUÊ HƯƠNG
(Trích)
Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.
Ôi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương
Như những con người - biết mấy yêu thương.
[…]
Quê hương ơi, mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi,
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng lại xót đau…
Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…
(Lê Anh Xuân, Thơ Việt Nam 1945 - 1975, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1976)
Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2 (0.5 điểm). Qua khổ thơ đầu đoạn trích, chỉ ra hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình?
Câu 3 (1.0 điểm). Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 4 (1.0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong những dòng thơ sau:
Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…
Câu 5 (1.0 điểm). Qua đoạn trích thơ phần đọc hiểu, em rút ra được thông điệp sâu sắc nhất là gì? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0.5 điểm).
Thể thơ: Tự do.
Câu 2 (0.5 điểm).
Khổ thơ đầu cho thấy hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Hoàn cảnh: Nhân vật trữ tình xa quê nội đã lâu (mấy năm trời xa cách).
- Tâm trạng: Nhớ thương quê nội (nhớ thương).
Câu 3 (1.0 điểm).
Nội dung chính của đoạn trích:
- Đoạn thơ là nỗi nhớ về cơn mưa ở quê hương, những cơn mưa gắn liền với kí ức tuổi thơ của tác giả.
- Qua đó bộc lộ sự gắn bó sâu nặng, tình yêu tha thiết của tác giả đối với quê hương mình.
Câu 4 (1.0 điểm).
- Biện pháp tu từ điệp ngữ: Ta muốn (3 lần); nghe mưa (2 lần).
- Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ:
+ Tạo giọng điệu trữ tình tha thiết cho câu thơ, đoạn thơ.
+ Nhấn mạnh khát khao trở về quê hương của nhân vật trữ tình, qua đó cho thấy tình cảm quê hương sâu nặng.
Câu 5 (1.0 điểm).
- HS rút ra thông điệp phù hợp, có thể theo hướng sau: Tình yêu đối với thiên nhiên, con người quê hương; Quê hương có vai trò quan trọng đối với mỗi con người; Bản thân cần có trách nhiệm đối với quê hương;…
- Có lí giải phù hợp.
Câu 1 (2.0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn thơ sau của văn bản “Nhớ cơn mưa quê hương” (Lê Anh Xuân) được trích trong phần đọc hiểu.
Ôi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương
Như những con người - biết mấy yêu thương.
Câu 2 (4.0 điểm). Tình yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng, tự nhiên trong mỗi con người, mong muốn được góp sức mình xây dựng quê hương là điều chính đáng. Tuy nhiên, “đi xa hay ở lại quê nhà góp phần xây dựng quê hương” là câu hỏi trăn trở nhất của rất nhiều bạn trẻ.
Em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trả lời cho câu hỏi trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm).
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong đoạn thơ ở phần đọc hiểu.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:
- Nội dung: Hoài niệm về cơn mưa quê hương:
+ Cơn mưa như người bạn đồng hành đã nâng đỡ tâm hồn, gieo mầm những cảm xúc ngọt ngào,… (ru hát hồn ta thuở bé, thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé,…) trong thời thơ ấu của nhà thơ.
+ Tình yêu tha thiết của tác giả đối với cơn mưa, với quê hương: Yêu cơn mưa như yêu những hình ảnh quen thuộc của làng quê, yêu con người quê thân thiết (ta yêu mưa… như tre, dừa, làng xóm quê hương, như những con người biết mấy yêu thương).
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ tự do, ngôn ngữ giản dị.
+ Giọng thơ ngọt ngào, thiết tha,…
=> Góp phần bộc lộ tình yêu với kí ức tuổi thơ, với quê hương của tác giả.
- Đánh giá chung: Khổ thơ không chỉ là hoài niệm của riêng nhà thơ mà còn là lời nhắn nhủ tới mỗi chúng ta bài học về tình yêu với cảnh vật, với con người quê hương,...
d. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4.0 điểm).
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn (khoảng 400 chữ).
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Lựa chọn đi xa hay ở lại quê nhà xây dựng quê hương.
c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:
Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận.
Có thể triển khai theo hướng:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài:
- Giải thích:
+ “Đi xa”: Rời ra quê hương của mình, đến nơi khác sinh sống và lập nghiệp.
+ “Ở lại quê nhà”: Sinh sống và lập nghiệp ngay tại quê hương.
+ “Góp phần xây dựng quê hương”: Mong muốn được góp công sức, trí tuệ,… của mình để quê hương ngày càng phát triển.
=> Tuổi trẻ đứng trước sự lựa chọn: Đi xa hay ở lại để giúp quê hương phát triển.
- Bàn luận:
+ “Đi xa quê hương”: Có cơ hội phát triển bản thân; tìm kiếm việc làm; có thêm các mối quan hệ;… Từ đó có thu nhập tốt, có thể đóng góp để xây dựng quê hương. Lan tỏa những nét văn hóa của quê mình đến bạn bè phương xa… Tuy nhiên lại ở xa gia đình, người thân nên dễ cô đơn; phải thích nghi với môi trường mới.
+ Đi xa hay ở lại quê hương: Là sự lựa chọn dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng về các yếu tố cá nhân, cơ hội và nguyện vọng của bản thân. Quan trọng là dù ở đâu, mỗi người đều hướng về quê hương, mong muốn được góp sức mình giúp xây dựng quê hương phồn vinh, phát triển, đó là điều đáng trân trọng.
- Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác.
- Khẳng định lại quan điểm của mình và rút ra bài học cho bản thân.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong văn bản.
đ. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.