Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề số 2 SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
CON YÊU CON GHÉT
Lược phần đầu: Bớt và Nở đều là con gái bà Ngải nhưng lại nhận sự đối xử phân biệt yêu ghét trái ngược từ mẹ đến mức Bớt từng phải ấm ức khóc ầm ĩ: "Bu đừng có con yêu con ghét! Được, đã thế xem sau này bu già, một mình cái Nở có nuôi bu không, hay lúc ấy lại phải gọi đến tôi?". Sau này hai cô con gái đi lấy chồng, bà vẫn đối xử kiểu phân biệt, có gì cũng bù trì cho Nở, tiền nong gửi cả Nở nhưng rồi lại bị chính Nở dáo dở lấy hết tiền gom góp dành dụm của bà. Bà giận, khóa cửa, xuống cuối làng ở với mẹ con Bớt.
[...] Thấy mẹ đem quần áo nồi niêu đến ở chung, Bớt rất mừng. Nhưng chị cố gặng mẹ cho hết lẽ:
- Bu nghĩ kĩ đi. Chẳng sau này lại phiền bu ra, như chị Nở thì con không muốn...
Nghe con nhắc đến thế thì cụ lại ngượng. Bà cụ gượng cười:
- Mày khác, nó khác. Với cái gì mà phải nghĩ hở con? Đây này, bu cứ tính thế này: Bao giờ đánh xong thằng Mỹ, bố con Hiên với cậu Tấn nó về, lúc bấy giờ ở đâu rồi hãy hay. Còn bây giờ bu cứ ở đây với mẹ con mày, chứ bu ở trên ấy một mình, vong vóng cũng buồn, mà mẹ con mày dưới này thì bấn quá. Mày thì đã lắm thứ công tác. Lại còn lo làm điểm lấy thóc nuôi con...
Từ ngày bà đến ở chung, Bớt như người được cất đi một gánh nặng trên vai. Giờ Bớt chỉ lo công tác với ra đồng làm, giá có phải đi họp hay đi học dăm bảy ngày liền như lớp học chống sâu bệnh cho lúa vừa rồi, là Bớt có thể yên trí đùm gạo đi được, không phải như cái đận ngày xưa vừa họp đấy, mà bụng thì nôn lên với mấy đứa con còn vất vạ ra ở nhà, gửi liều cho hàng xóm. Mấy đứa trẻ được bà trông, chỉ vài tháng đã lớn, béo ra trông thấy. [...]
[...] Bớt kéo con vào lòng, vạch tóc con ra và chỉ vào cái sẹo to bằng cái trôn bát ở gần đỉnh đầu, vô tình kể với bà:
- Còn bố nó ở nhà, bố nó thương con này nhất, bố nó cứ bảo: Tội! Con gái xấu xí.
Bà cụ thở dài và buột miệng cái điều mà bà vẫn lấy làm ân hận:
- Ừ, đáng ra là thế, con nào chả là con. Có mẹ cổ nhân cổ sơ, ngày xưa mẹ mới dọa ra thế chứ!
Bớt vội buông bé Hiên, ôm lấy mẹ:
- Ô hay! Con có nói gì đâu, sao bu cứ nghĩ ngợi thế nhỉ?
1966 - 1974
(Vũ Thị Thường, Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam 1945 - 2005, NXB Công an Nhân dân, 2005, tr.20 - 23)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.
Câu 2. Chỉ ra một số chi tiết về cách ứng xử của chị Bớt Dương trong văn bản cho thấy chị không giận mẹ dù trước đó từng bị mẹ phân biệt đối xử.
Câu 3. Qua đoạn trích, anh/chị thấy nhân vật Bớt là người như thế nào?
Câu 4. Hành động ôm lấy vai mẹ và câu nói của chị Bớt: "- Ô hay! Con có nói gì đâu, sao bu cứ nghĩ ngợi thế nhỉ?" có ý nghĩa gì?
Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một thông điệp mà anh/chị thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hôm nay và lí giải tại sao.
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Ngôi kể của người kể chuyện: Ngôi thứ ba. | 0.5 |
2 | Một số chi tiết về cách ứng xử của chị Bớt trong văn bản cho thấy chị không giận mẹ: + Thấy mẹ đem quần áo nồi niêu đến ở chung, Bớt rất mừng. + Từ ngày bà đến ở chung, Bớt như người được cất đi một gánh nặng trên vai. Giờ Bớt chỉ lo công tác với ra đồng làm. + ... | 0.5 |
3 | Nhân vật Bớt hiện lên qua đoạn trích là người: - Có cuộc sống vất vả, nhiều lo toan: Một mình tự xoay xở công việc nhà, cố gắng hoàn thành công tác... - Giàu tình cảm yêu thương, nhân hậu, vị tha: + Với mẹ: là người con hiếu thảo, rộng lượng, ứng xử phải đạo. + Với gia đình nhỏ: Yêu chồng, thương con... => Nhân vật hội tụ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, người phụ nữ thời kháng chiến chống Mỹ. | 1.0 |
4 | Hành động ôm lấy vai mẹ và câu nói của Bớt: "- Ô hay! Con có nói gì đâu, sao bu cứ nghĩ ngợi thế nhỉ?" có ý nghĩa: - Thể hiện sự áy náy của Bớt vì trót vô tư kể lại câu chuyện về cách đối xử đầy yêu thương của chồng chị với bé Hiên. - Cho thấy Bớt sợ mẹ chạnh lòng nghĩ ngợi, áy náy chuyện quá khứ mẹ đã từng đối xử không công bằng với chị. - Thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng của chị đối với mẹ. | 1.0 |
5 | Có thể nêu một trong các thông điệp sau: - Đối với những bậc làm cha làm mẹ: Hãy yêu thương và đối xử công bằng với con cái. - Đối với những người làm con: Cần phải sống đúng đạo hiếu, biết quan tâm, yêu thương, hiếu kính, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. + Với con người nói chung: Trân trọng, vun đắp tình cảm gia đình vì đó là tình cảm ấm áp, thiêng liêng, vô cùng quý giá. | 1.0 |
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của bức tranh quê trong đoạn thơ sau:
Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ,
Bóng cây lơi lả bên hàng dậu,
Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ.
Ông lão nằm chơi ở giữa sân,
Tàu cau lấp loáng ánh trăng ngân.
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân.
(Trích Trăng hè, Đoàn Văn Cừ, Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 2005, tr.190 - 191)
Câu 2 (4.0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về sự nỗ lực hết mình của tuổi trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh quê trong đoạn thơ thuộc bài thơ Trăng hè. | 2.0 |
| a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: Đoạn văn 200 chữ. HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. | 0.25 |
| b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh quê trong đoạn thơ thuộc bài thơ Trăng hè. | 0.25 |
| c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: - Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: * Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận. * Thân đoạn: Triển khai thành các luận điểm để phân tích, đánh giá: - Phông nền của bức tranh quê: Một đêm trăng nơi miền quê đồng bằng Bắc bộ (đêm vắng, ánh trăng ngân). - Vẻ đẹp của bức tranh quê: Hình ảnh thiên nhiên hòa quyện với hình ảnh con người (màu sắc lấp lánh của ánh trăng ngân, âm thanh tiếng võng kẽo kẹt,...). - Vẻ đẹp của bức tranh quê thanh tĩnh, bình dị, an lành, thân quen. - Vẻ đẹp của bức tranh quê đầy thơ mộng, gợi cảm (bóng cây lả lơi bên hàng dậu, tàu cau lấp lánh ánh trăng,...). * Kết đoạn: - Khẳng định vẻ đẹp của bức tranh quê: Bình dị, gần gũi; cảm nhận của nhà thơ tinh tế; tình cảm yêu thương, gắn bó; ngôn từ, hình ảnh, biện pháp tu từ đặc sắc... - Từ đó, bức tranh quê gợi lên trong lòng người đọc sự trân quý, có những phát hiện về vẻ đẹp của quê hương. | 0.5 |
| d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. - Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. | 0.5 |
| đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. | 0.25 |
| e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 |
2 | Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về sự nỗ lực hết mình của tuổi trẻ hiện nay. | 4.0 |
| a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội. | 0.5 |
| b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về sự nỗ lực hết mình của tuổi trẻ hiện nay. | 0.5 |
| c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề: Sau đây là một hướng gợi ý: * Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận: Suy nghĩ về sự nỗ lực hết mình của tuổi trẻ hiện nay. * Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm để phân tích, đánh giá: - Giải thích khái niệm: Sự nỗ lực hết mình là sự cố gắng hết sức, kiên trì tới cùng để vượt qua những thử thách và hoàn thành mục tiêu bản thân đặt ra. - Trình bày vấn đề: + Cần phải nỗ lực hết mình để: ++ Vượt qua khó khăn thử thách, nghịch cảnh, coi đó là phép thử để tôi rèn khả năng kiên trì của bản thân. ++ Thay đổi và phát triển chính mình, khiến mình trở thành một phiên bản tốt hơn mỗi ngày. + Nỗ lực hết mình có ý nghĩa quan trọng: ++ Giúp con người phát hiện và khai thác tối đa tiềm năng vốn có của bản thân, cố gắng không ngừng để vượt qua mọi khó khăn. ++ Giúp con người chinh phục được những mục tiêu của cuộc đời. ++ Giúp truyền đi thông điệp về một thái độ sống tích cực: Hãy kiên trì bước về phía trước, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn. ++ Cá nhân nỗ lực hết mình sẽ góp phần tạo ra giá trị vật chất và tinh thần, thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. + Những điều cần làm để nỗ lực hết mình: ++ Tự tin để nhận ra giá trị riêng của mình. ++ Không ngừng trau dồi, tích lũy kinh nghiệm sống cho bản thân. ++ Xác định rõ mục tiêu, đam mê sẽ khiến con người con người có động lực để cố gắng, bứt phá được mọi giới hạn của bản thân. - Mở rộng, phản biện: Nỗ lực, khao khát để thành công không có nghĩa là cố chấp theo đuổi mục tiêu xa vời hoặc đạt được thành công bằng mọi giá. - Bài học: Nhận thức được sức mạnh của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, phải trau dồi tri thức, tôi rèn bản lĩnh vững vàng, đủ nghị lực để không nản chí, đủ niềm tin để vững bước vào tương lai. * Kết bài: - Khẳng định ý chí, sự nỗ lực đến cùng là chìa khóa thành công. - Liên hệ bản thân: Cần biết nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê, đạt mục tiêu, mục đích sống. | 1.0 |
| d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Triển khai được đầy đủ các luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận. - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. | 1.0 |
| đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. | 0.5 |
| e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |