Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề số 3 SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
BÀN GIAO
Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu
Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay
Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi
Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên trái đất này
Ông chỉ bàn giao một chút buồn
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn
Câu thơ vững gót làm người ấy*
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.
(Theo Vũ Quần Phương, Văn nghệ quân đội, Xuân Giáp Ngọ 2014, tr.86)
Chú thích:
* Câu thơ Cắn răng mà chịu thiệt, vững gót để làm người.
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Trong bài thơ, nhân vật người ông sẽ bàn giao cho cháu những thứ gì?
Câu 3. Ở khổ thơ thứ hai, có những thứ mà người ông chẳng bàn giao cho cháu. Theo anh/chị, vì sao người ông lại không muốn bàn giao cho cháu những thứ đó?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ.
Câu 5. Chúng ta hôm nay đã nhận bàn giao từ thế hệ cha ông đi trước rất nhiều điều quý giá, thiêng liêng. Theo anh/chị, chúng ta cần có thái độ gì trước những điều được bàn giao ấy? (Bày tỏ bằng đoạn văn 5 - 7 câu)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Thể thơ của văn bản: Tự do.
Câu 2. Trong bài thơ, nhân vật người ông bàn giao cho cháu những thứ sau: gió heo may; góc phố có mùi ngô nướng bay; tháng giêng hương bưởi - cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày; những mặt người đẫm nắng - đẫm yêu thương trên trái đất này; một chút buồn; ngậm ngùi một chút, chút cô đơn; câu thơ vững gót làm người.
Câu 3. Người ông chẳng bàn giao cho cháu những tháng ngày vất vả, chiến tranh vì:
- Những thứ đó là những dấu hiệu của sự lam lũ, vất vả, cực nhọc trong cuộc sống.
- Vì ông rất yêu thương cháu, mong cháu và thế hệ của cháu được sống cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc.
Câu 4.
- Biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ: bàn giao.
- Tác dụng:
+ Tạo liên kết, tạo nhịp điệu cho bài thơ; giúp cho sự diễn đạt trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn.
+ Nhấn mạnh những điều mà người ông muốn và không muốn bàn giao, trao gửi lại cho người cháu.
+ Qua đó, thể hiện tình cảm yêu thương, mong muốn tốt đẹp mà người ông - cũng là thế hệ đi trước dành cho người cháu - thế hệ sau.
Câu 5. HS viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân, có thể theo hướng: Chúng ta cần có thái độ trước những điều thiêng liêng, quý giá mà cha ông ta bàn giao như sau:
- Biết ơn những gì thế hệ cha ông đã để lại cho mình.
- Trân trọng, tự hào về những điều đó.
- Có ý thức gìn giữ, bảo vệ những thứ đã được nhận bàn giao từ thế hệ trước.
- Cần cố gắng phát huy những gì đã được tiếp nhận để tiếp tục bàn giao cho những thế hệ mai sau.
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. (2.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về bài thơ ở phần đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm) Viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ về vấn đề tuổi trẻ và sự trải nghiệm.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: Đoạn văn 200 chữ. HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về bài thơ Bàn giao (Vũ Quần Phương).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung: Bài thơ là sự bàn giao thế hệ, gửi gắm bao tình cảm, bao mong ước của ông dành cho cháu và thế hệ của cháu.
+ Về nghệ thuật: Thể thơ tự do; giọng điệu chân thành, tha thiết: ngôn ngữ giản dị, giàu sức gợi;…
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về vấn đề tuổi trẻ và sự trải nghiệm.
c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề:
Gợi ý:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tuổi trẻ và sự trải nghiệm.
* Thân bài:
- Giải thích: “Trải nghiệm” là quá trình hoặc cảm nhận của một người khi tương tác với một sự kiện, một hoạt động, một sản phẩm hoặc một tình huống cụ thể.
- Bàn luận:
+ Tuổi trẻ là quãng thời gian để chúng ta mơ ước, đặt ra những mục tiêu lớn lao và tìm kiếm những cơ hội mới.
+ Trải nghiệm giúp tuổi trẻ trưởng thành, tự tin, hiểu rõ hơn về bản thân và cuộc sống.
+ Những thất bại, khó khăn và thử thách trong quá trình trải nghiệm là những bài học quý giá.
- Mở rộng:
+ Trải nghiệm không có nghĩa là liều lĩnh để dấn thân vào những điều sai trái.
+ Bởi vậy, trước mọi tình huống, sự việc, con người cần phải suy xét kĩ lưỡng.
* Kết bài:
- Khẳng định vấn đề: Trải nghiệm là điều cần thiết đối với tuổi trẻ.
- Liên hệ bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Triển khai được đầy đủ các luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.
- Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.