Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 1 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau:
MỘT LẦN VÀ MÃI MÃI
Quán bà Bảy Nhiêu nằm gần một khu mả đá, được bao bọc bởi những hàng rào bàn chải. Đó là một cái chòi tranh rách nát được dựng lên trước mặt một ngôi nhà tranh vách đất cũng rách nát như vậy. Trong chòi có đặt một cái bàn gỗ đã cũ, hai cái ghế băng cũng đã già nua như vậy, một cái đã hỏng mất một chân. Trên chiếc bàn gỗ có xếp mấy lọ kẹo, đường táng, những thứ mà bà con nông dân tự làm lấy.
Bà Bảy Nhiêu sống có một mình. Người trong làng không ai rõ chồng con bà đã mất từ lúc nào, mà cũng có thể là bà chưa có chồng con gì cả. Trước đây, mắt bà còn tinh nhưng độ hai năm nay bà bị lòa. Người ta bảo nhà bà ở gần động cát quá, nên gió thổi cát vào mắt nhiều lần, lâu ngày mà nó vậy.
Chúng tôi nhao nhao:
- Bán cho con một táng đường, bà.
- Bán cho con hai viên kẹo bi, bà.
Bà Bảy Nhiêu run run đưa bàn tay trái lên cầm tiền của chúng tôi, bỏ ngay vào cái cơi trầu bà đặt dưới bàn, tay phải quờ quờ lục vào các lọ lấy kẹo, đường cho từng đứa. Hầu như không bao giờ bà đếm tiền. Bà tin chúng tôi.
Trưa hôm đó, sau hiệu lệnh của thằng Bá, tôi cho tay vào túi. Những tờ bạc lẻ mà mẹ tôi cho đã biến mất đâu. Tôi ngần ngừ một lúc nhưng nỗi thèm ngọt đã khiến cho tôi lủi thủi theo sau các bạn mong được “ăn ghẹ” của một đứa nào đấy. Giữa đường, nghĩ xấu hổ, tôi quay lại...
- Sao mày không đi mua đường, mua kẹo? - Thằng Bá đi phía sau hỏi tôi.
- Tao không có tiền.
Bá cười sằng sặc:
- Chớ hồi giờ tao đâu có tiền mà vẫn mua được kẹo.
Tôi ngạc nhiên:
- Chớ lâu nay mày mua bằng thứ gì?
Bá không trả lời ngay. Nó kéo tôi sát lại gần nó, rút trong túi ra mấy tờ giấy đã viết, được cắt gọn ghẽ như những tờ giấy bạc, nói thì thầm:
- Tao chuyên đưa bà Bảy những tờ giấy này. Bả mù, bà đâu có thấy. - Nó ngừng một lát rồi nói tiếp, - tao có ba tờ tao cho mày một tờ. Mày đợi tụi nó mua cuối cùng mình mới mua.
Tôi ngần ngại một lát nhưng cuối cùng cũng cầm tờ giấy lộn. Tôi có cảm giác khi cầm tờ “bạc giả” của tôi, mắt bà Bảy Nhiêu như có tia sáng loé lên. Nhưng bà không nói gì, vẫn bỏ nó vào cơi trầu và đưa đường táng đen cho tôi.
Ngày hôm sau, sự việc vẫn lặp lại y như hôm trước. Có điều, khi tôi và Bá đến quán thì không thấy có chuyện mua bán xảy ra. Các bạn đến trước đều đứng túm lại dưới quán nhìn sững vào trong nhà bà Bảy. Trong nhà có tiếng người lao xao. Một bác nông dân quen biết trong làng đang ngồi trước cửa vừa giờ cơi trầu của bà Bảy ra đếm tiền vừa nói vọng ra:
- Tụi bay về đi. Bà Bảy trúng gió chết hồi hôm rồi.
Chúng tôi sững sờ, đứng im không nhúc nhích. Bác nông dân lẩm bẩm điều gì quay vô nhà nói với ai đó: “Số tiền này vừa đủ mua một chiếc chiếu gói bả đấy.”. Im lặng một lúc rồi bác tiếp: “Bả mù mà tinh thật. Bọn xỏ lá nào đưa giấy lộn cho bả, bả cũng nhận rồi gói riêng ra...”. Tôi và Bá đứng như chôn chân xuống đất. Sống lưng lạnh buốt.
Từ đó đến nay đã bốn mươi năm trôi qua. Bạn bè của tôi cũng không còn đông đủ như trước. Có những đứa vốn ngỗ ngược, sau này lại trở thành những du kích dũng cảm và hi sinh. Có nhiều đứa theo gia đình, bỏ quê xứ đi làm ăn xa. Thằng Bá bây giờ trở thành một nông dân, người gầy, rắn rỏi, ngày ngày đánh trâu cày trên những rộc cát khô khốc mong tìm từng củ khoai để nuôi bầy con cháu đông đúc. Riêng tôi may mắn, được đi tập kết, được học hành để trở thành một nhà văn. Cứ mỗi lần về quê, tôi lại rủ Bá ra thăm mả bà Bảy Nhiêu. Cả hai đứa đều đứng lặng, miệng lầm rầm cầu mong bà tha thứ...
Trong đời, có những điều ta đã lầm lỡ, không bao giờ còn có dịp để sửa chữa được nữa.
(Thanh Quế, Trích 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Chỉ ra ngôi kể được sử dụng trong văn bản.
Câu 3 (1,0 điểm). Nhận xét về cốt truyện của văn bản.
Câu 4 (1,0 điểm). Nội dung của văn bản này là gì?
Câu 5 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào về câu: "Trong đời, có những điều ta đã lầm lỡ, không bao giờ còn có dịp để sửa chữa được nữa."?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
Thể loại: Truyện ngắn.
Câu 2 (0,5 điểm)
Ngôi kể: Ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi”.
Câu 3 (1,0 điểm)
- HS tóm tắt cốt truyện qua những sự kiện chính:
+ Sự kiện 1: Nhân vật “tôi” cùng Bá đi mua kẹo của bà Bảy Nhiêu với những tờ tiền giả.
+ Sự kiện 2: Bà Bảy Nhiêu bị trúng gió, qua đời.
+ Sự kiện 3: Nhân vật “tôi” cùng Bá đến viếng mộ bà Bảy Nhiêu, cầu mong bà tha thứ và tiếc nuối về sự việc đã qua.
- HS nhận xét về cốt truyện của văn bản: Cốt truyện đơn tuyến, bao gồm những sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian tuyến tính.
Câu 4 (1,0 điểm)
Nội dung: Văn bản kể lại một lần lầm lỡ của nhân vật “tôi” khi lừa một bà cụ đáng thương, đơn độc, mù lòa. Qua câu chuyện ấy, tác giả thể hiện chân thực, sâu sắc nỗi niềm tiếc nuối của hai cậu bé năm xưa khi đã làm chuyện có lỗi với bà mà không có bất cứ cơ hội nào để bù đắp lại lỗi lầm. Từ đó, tác giả gửi đi một thông điệp sâu sắc trong cuộc sống: Hãy sống một cách trung thực, chân thành.
Câu 5 (1,0 điểm)
HS nêu cách hiểu của bản thân về câu văn: "Trong đời, có những điều ta đã lầm lỡ, không bao giờ còn có dịp để sửa chữa được nữa.". (trình bày ngắn gọn khoảng 4 - 5 dòng)
(Gợi ý: Câu văn nhấn mạnh rằng trong cuộc sống, có những sai lầm mà khi đã mắc phải, ta không thể quay lại để sửa chữa hay thay đổi. Điều này nhắc nhở mỗi người cần suy nghĩ kỹ trước khi hành động, trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với quyết định của mình. Đồng thời, nó cũng khuyến khích ta rút kinh nghiệm từ quá khứ để sống tốt hơn trong tương lai.)
II. PHẦN VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật “tôi” trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩa của em về sự trung thực trong cuộc sống hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích nhân vật “tôi” trong văn bản.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: Nhân vật này được khắc họa chủ yếu thông qua hành động, suy nghĩ:
+ Nhân vật “tôi” là một cậu bé ngoan, có lòng tự trọng: Khi cùng các bạn đi mua kẹo, phát hiện ra mình bị mất tiền, em cũng muốn “ăn ghẹ” của đứa bạn nào đó ít kẹo vì thèm ngọt nhưng “Giữa đường, nghĩ xấu hổ, tôi quay lại…”.
+ Sau khi được Bá cho tờ giấy lộn để chuẩn bị mua kẹo của bà Bảy Nhiêu, em cũng cảm thấy ngần ngại, nhưng vẫn đưa tờ giấy ấy cho bà để mua kẹo. Suy nghĩ của nhân vật về ánh mắt của bà Bảy: “Tôi có cảm giác khi cầm tờ “bạc giả” của tôi, mắt bà Bảy Nhiêu như có tia sáng lóe lên.”. Chi tiết ấy cho thấy sự chột dạ của nhân vật “tôi” khi làm chuyện có lỗi với bà Bảy.
+ Sau khi bà Bảy mất, nghe được câu nói của người nông dân: “Bả mù mà tinh thật. Bọn xỏ lá nào đưa giấy lộn cho bả, bả cũng nhận rồi gói riêng ra…”. Giây phút ấy, nhân vật “tôi” mới vỡ lẽ ra rằng chiêu trò của em và Bá không hề qua mắt được bà Bảy. Việc bà vẫn bán kẹo cho các em có lẽ chính là lòng thương yêu, sự thấu hiểu mà bà dành cho trẻ nhỏ.
+ Nghĩ về tội lỗi của bản thân, nhân vật “tôi” ân hận vô cùng. Cho đến tận lúc lớn, mỗi lần về quê, nhân vật “tôi” lại cùng Bá ra thăm mộ bà Bảy để cầu mong sự tha thứ.
=> Nhận xét: Nhân vật “tôi” được xây dựng chủ yếu trên phương diện hành động, suy nghĩ, qua đó, tác giả nhằm thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong nội tâm của nhân vật. Chỉ một lần làm điều sai trái, nhân vật “tôi” ân hận suốt cả cuộc đời vì không còn cơ hội nào để chuộc lỗi.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Sự trung thực trong đời sống hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích: Trung thực là sự ngay thẳng, thật thà, không gian dối trong lời nói, hành động.
+ Biểu hiện: Người trung thực là người ngay thẳng, luôn tôn trọng sự thật, dám thừa nhận lỗi lầm của bản thân và sống đúng với lương tâm của mình.
+ Ý nghĩa:
++ Đối với cá nhân: Giúp con người có nhân cách tốt, sống thanh thản, không dằn vặt vì sự gian dối; giúp cá nhân bồi dưỡng được lòng tự trọng, sự chính trực, tạo dựng được lòng tin với mọi người xung quanh.
++ Đối với xã hội: Xây dựng niềm tin giữa người với người, giúp cho các mối quan hệ trở nên bền vững; góp phần tạo nên một xã hội công bằng, văn minh, bền vững; hạn chế những vấn đề tiêu cực như tham nhũng, gian lận trong thi cử, ứng tuyển,…
+ Thực trạng: Bên cạnh những người giữ gìn và đề cao đức tính trung thực thì tình trạng gian dối vẫn xuất hiện phổ biến: Học sinh quy cóp, gian lận trong thi cử; người kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các ứng viên sử dụng giấy tờ giả để ứng tuyển trong công việc; một số người vì lợi ích cá nhân mà nói dối, lừa gạt người khác.
+ Nguyên nhân: Sự vị kỉ, mong muốn đạt được thứ mình mong cầu mà không nghĩ đến những hệ quả lâu dài; sự xuống cấp về mặt đạo đức xã hội;…
+ Hệ quả: Sự suy đồi về mặt đạo đức ngày càng lan rộng trong xã hội; các mối quan hệ giữa người với người ngày càng dễ đổ vỡ vì thiếu niềm tin;…
+ Giải pháp: Mỗi cá nhân cần có ý thức tự răn đe, tự tu sửa bản thân khi làm điều sai trái, chủ động rèn luyện phẩm chất trung thực; gia đình và xã hội cần chú trọng hơn vào việc bồi dưỡng lòng trung thực, khuyến khích, tôn vinh những người trung thực;…
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.