Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 1 SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Người cắt dây thép gai
I
Dây thép gai con cò không đậu được
Nghe tiếng ru hời, sao cò cứ bay xa.
Anh cắt chúng đi cho con cò bay lại
Trong đêm khuya, tiếng cánh vỗ trên đầu.
Thương cây cùng thương đất như nhau.
Nên anh khóc khi nhìn cây nhựa chảy.
Con sông gãy và nhịp cầu cũng gãy,
Đâu bóng em anh chải tóc hàng ngày.
Cánh cò bay... cánh trắng... con cò bay
Gió từ cánh con cò nào thổi dậy.
Đất nước mình bao năm chia cắt đấy
Anh nói gì trong hai bàn tay.
II
Và rơi xuống hàng rào thứ nhất!
Cỏ lại hát những lời riêng của đất
Nhựa lại về nối lại những cành cây
Cò ơi... về đây!... Đừng bay, đừng bay.
Anh đã cắt đến hàng rào thứ hai
Nhịp cầu gãy bây giờ như liền lại
Đấy là nhịp cầu sang nhà bạn gái
Có bóng em anh soi xuống hiền hoà.
Anh đã cắt sang hàng rào thứ ba
Con sông đứt khúc bây giờ lại chảy
Bong bóng mưa và những con cá nhảy
Tôm búng càng kỷ niệm mãi ngân rung...
Đã cắt đến hàng rào cuối cùng
Các đồng chí ơi, xung phong!
Người cắt dây thép gai đã cắt xong
Đứng dậy nghe đất nước sông núi mình
bao năm cắt chia đang liền lại.
1971
(Hoàng Nhuận Cầm, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, 2007)
* Chú thích: Hoàng Nhuận Cầm (7/2/1952 - 20/4/2021) sinh tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sỹ Hoàng Giác. Đang học dở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, ông nhập ngũ, đã từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Ông chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005. Ông sống tại Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình các được bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi.
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai?
Câu 3 (1,0 điểm). Nhận xét về hình thức của văn bản.
Câu 4 (1,0 điểm). Phân tích mạch cảm xúc của văn bản.
Câu 5 (1,0 điểm). Anh/chị hãy rút ra một thông điệp ý nghĩa nhất đối với bản thân từ văn bản trên?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.
Câu 2 (0,5 điểm)
Nhân vật trữ tình: Người lính cách mạng làm nhiệm vụ cắt dây thép gai.
Câu 3 (1,0 điểm)
Nhận xét về hình thức của văn bản:
- Thể thơ: Tự do, không bị gò bó về thi luật, cách ngắt nhịp linh hoạt, đa dạng giúp mạch cảm xúc của văn bản được thể hiện một cách linh hoạt, tự nhiên.
- Cấu trúc hai phần rõ rệt, được đánh số kí tự La Mã (I, II), thể hiện những nội dung có mối liên hệ chặt chẽ với nhau:
+ Phần I: Nỗi đau khi đất nước bị chia cắt, khát vọng hàn gắn dân tộc.
+ Phần II: Hành trình hành động, giành chiến thắng, hàn gắn đất nước, đem đến sự bình yên cho mọi người, dân tộc.
=> Hình thức văn bản mới lạ, độc đáo góp phần thể hiện mạch cảm xúc, chủ đề, ý nghĩa của văn bản.
Câu 4 (1,0 điểm)
Mạch cảm xúc của văn bản được triển khai theo mạch sau:
- Mở đầu bằng nỗi đau và khát vọng thống nhất:
+ Người lính cảm nhận sâu sắc nỗi chia cắt của đất nước qua những hình ảnh giàu cảm xúc: "dây thép gai", "sông gãy", "cầu gãy", "cánh cò bay xa",...
+ Khao khát hàn gắn đất nước, đưa "con cò" – biểu tượng của hòa bình, lời ru – trở về.
- Chuyển sang hành động cụ thể để giành chiến thắng: Người lính cắt hàng rào dây thép gai bốn lần, mỗi lần cắt là một sự vật được nối lại, có những thứ vốn chỉ có trong quá khứ lại một lần được hồi sinh.
- Cao trào, niềm vui, niềm mong mỏi về tương lai: Khi hàng rào cuối cùng bị cắt, đất nước như hoàn toàn được hồi sinh. Tiếng gọi “Các đồng chí ơi, xung phong!” là lời kêu gọi những người chiến sĩ tiến về phía trước. Người lính làm nhiệm vụ cắt dây thép gai cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, đứng lên với niềm vui mừng khôn tả và niềm hi vọng về tương lai đất nước khi “nghe đất nước sông núi mình bao năm chia cắt đang liền lại.”.
=> Mạch cảm xúc được triển khai theo mạch: Nỗi đau -> Hành động -> Niềm vui, niềm hi vọng vào tương lai của dân tộc.
Câu 5 (1,0 điểm)
- HS tự rút ra cho bản thân một thông điệp ý nghĩa. Đó có thể là:
+ Cần biết trân trọng độc lập – tự do mà chúng ta đang có ngày hôm nay.
+ Biết sống có lí tưởng, trách nhiệm với đất nước.
+ Biết ghi nhớ công ơn của những người lính đã hiến dâng thân mình cho Tổ quốc.
+ …
- Từ thông điệp ấy, HS lí giải ngắn gọn suy nghĩ của bản thân.
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh hàng rào dây thép gai trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết của lối sống có trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích hình ảnh hàng rào dây thép gai trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Hàng rào dây thép gai là một hình ảnh có thực trong chiến tranh – biểu tượng của sự chia cắt, ngăn cách đất nước, con người, tình yêu, phá hủy cuộc sống bình yên.
+ Ở văn bản “Người cắt dây thép gai”, Hoàng Nhuận Cầm đã nâng hình ảnh hàng rào dây thép gai lên thành một biểu tượng của sự chia cắt và trở ngại. Chiến tranh khốc liệt khiến lời ru cũng bị đứt đoạn, con có trắng chẳng thể đậu lại trong giấc mơ đám trẻ. Chiến tranh tàn phá đất đai, làm cây cối đổ gãy. Chiến tranh cũng chia cắt con sông, làm gãy cây cầu, khiến em chẳng dám ra sông chải tóc hàng ngày. Và hơn hết, chiến tranh làm đất nước ta mấy bận chia đôi, đồng bào ta chẳng thể về một mối. Từ những sự chia cắt ấy, người lính “nói gì trong hai bàn tay” như một sự quyết chí khi nhận ra trách nhiệm cao cả đặt nặng trên vai – cắt dây thép gai. Đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là một trở ngại khi nguy hiểm trong chiến tranh luôn rình rập bốn bề.
+ Việc cắt từng hàng rào dây thép gai thể hiện sự kiên trình, bền bỉ, gan dạ, nỗ lực không ngừng nghỉ của những người lính cắt dây thép gai.
+ Mỗi hàng rào bị cắt là một bước giải phóng đối với dân tộc, là thêm một bước tiến gần hơn đến ngày thống nhất, tiến đến tương lai độc lập, hòa bình.
=> Hình ảnh hàng rào dây thép gai không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn chứa đựng ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, thể hiện khát vọng thống nhất và sức mạnh, ý chí của con người Việt Nam trong hành trình thống nhất đất nước.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Sự cần thiết của lối sống có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ ngày nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích:
++ Lối sống có trách nhiệm là cách sống biết suy nghĩ, hành động đúng đắn, có ý thức với bản thân, gia đình, cộng đồng.
++ Thế hệ trẻ ngày nay bao gồm học sinh, sinh viên, thanh niên – những người đang trưởng thành, có tiềm năng phát triển và cống hiến.
+ Biểu hiện:
++ Học tập nghiêm túc, không quay cóp, không gian dối.
++ Tôn trọng pháp luật, không vi phạm nội quy trường lớp.
++ Biết nhận lỗi và sửa sai khi làm điều chưa đúng.
+ Ý nghĩa:
++ Với bản thân người trẻ: Giúp rèn luyện nhân cách, định hướng đúng đắn cho tương lai; hình thành thói quen tự lập, tự chịu trách nhiệm với hành vi, sự lựa chọn của chính mình;…
++ Với xã hội: Góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, tích cực, thượng tôn pháp luật, thúc đẩy đất nước phát triển.
+ Thực trạng: Tuy nhiên, một bộ phận bạn trẻ hiện nay có xu hướng sống buông thả, ích kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với chính mình và xã hội. Ví dụ: Việc nhiều bạn trẻ tham gia đua xe trái phép; tham gia bán hàng kém chất lượng, lừa dối người khác;....
+ Giải pháp:
++ Người trẻ cần tự rèn luyện, nhìn nhận và điều chỉnh hành vi.
++ Chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống từ gia đình và nhà trường.
++ Xã hội cần tạo môi trường tích cực để người trẻ sống có trách nhiệm và được ghi nhận.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.