Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 2 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
CHIM THÊU
Chiều chủ nhật ba thường đi dạo,
Các cửa hàng bày áo trẻ con.
Lòng ba không khỏi riêng buồn,
Ngắm từng kiểu áo, nhớ con vô cùng!
Lũ chúng nó ngăn sông cản núi,
Áo ba mua khôn gửi về Nam.
Nhìn đàn trẻ nhỏ xênh xang,
Áo thêu chim trắng, ba càng thương con.
Con trong đó sớm hôm nức nở,
Nghẹn lời ca dưới mỏ quạ đen.
Mẹ con chẳng vụng đường kim,
Áo con chẳng dám thêu chim hoà bình.
Ba ôm tấm áo xanh giữa ngực
Tưởng chừng nghe thổn thức tim con.
Bâng khuâng cặp mắt đen tròn,
Chắt chiu vẳng tiếng chim non gọi đàn...
Treo áo con bên bàn làm việc,
Nhìn chim thêu, ba viết thơ này.
Áo không gửi được hôm nay,
Thì ba giữ lấy, mai ngày cho con.
Ngày mai ấy, nước non một khối,
Giở áo này, thấu nỗi niềm xưa,
Đàn em con đó, bây giờ,
Áo thêu chim trắng, tha hồ vui chơi.
Mùa xuân 1957
(Theo Nguyễn Bính toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007)
* Chú thích:
1. Tác giả: Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, quê ở làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Ông được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc như Mưa xuân, Chân quê, Tương tư,...
2. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Chim thêu trích trong tập thơ Mùa xuân (1957), tập thơ được sáng tác vào thời kỳ người dân miền Bắc tập trung xây dựng đất nước trong hòa bình, trong khi miền Nam vẫn đang chịu sự chia cắt bởi chiến tranh. Bài thơ ra đời trong bối cảnh mang nặng tâm tư về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương và hy vọng vào ngày mai hòa bình.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai?
Câu 3 (1,0 điểm). Nêu đề tài, chủ đề của văn bản.
Câu 4 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai dòng thơ: “Bâng khuâng cặp mắt đen tròn,/ Chắt chiu vẳng tiếng chim non gọi đàn…”.
Câu 5 (1,0 điểm). Văn bản trên cho gợi cho em những ấn tượng gì về tình cảm mà người cha dành cho người con của mình?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm)
Thể thơ: Song thất lục bát.
Câu 2 (0,5 điểm)
Nhân vật trữ tình: Người cha.
Câu 3 (1,0 điểm)
- Đề tài: Tình phụ tử.
- Chủ đề: Tình yêu thương, sự lo lắng, niềm hi vọng mà người cha dành cho người con đang chiến đấu nơi xa.
Câu 4 (1,0 điểm)
- HS chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng: Đảo ngữ: “Bâng khuâng” đảo lên trước “cặp mắt đen tròn”, “Chắt chiu” đảo lên trước “tiếng chim non gọi đàn”.
- HS phân tích tác dụng của biện pháp tu từ:
+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
+ Nhấn mạnh bồi hồi, tình cảm yêu thương của người cha dành cho con đồng thời làm nổi bật sự quý trọng, nâng niu những âm thanh nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa sâu sắc như sự khao khát đoàn tụ hay tình yêu gia đình.
+ Khắc họa tâm trạng nhớ thương, da diết của nhân vật trữ tình dành cho người con.
Câu 5 (1,0 điểm)
- Tình cảm mà người cha dành cho con được thể hiện qua các chi tiết sau:
+ Nhìn các cửa hàng bày bán quần áo trẻ con thì trong lòng dâng lên nỗi nhớ con khôn nguôi.
+ Mua cho con chiếc áo nhưng phiền muộn, đau lòng vì hai miền cách trở, chẳng thể gửi tấm áo cho con.
+ Ôm tấm áo mà mường tượng được ôm con, mong nhớ về con khôn nguôi.
+ Gửi gắm tình yêu, hi vọng nơi con qua hình chim thêu, mong mỏi về một ngày hòa bình, đất nước thống nhất, hòa bình, gia đình đoàn tụ, các con được thỏa thích hồn nhiên vui chơi.
- Nhận xét về tình cảm của người cha: Người cha có tình yêu thương con da diết, luôn nhớ thương, lo lắng cho con trong hoàn cảnh mỗi người ở một phương trời xa cách.
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích ba khổ thơ cuối của văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Có ý kiến cho rằng: Tình yêu thương của cha mẹ có thể là động lực nhưng cũng có thể là áp lực cho con cái. Từ góc độ của một người con, em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích ba khổ thơ cuối của văn bản ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Nội dung: Nỗi lòng nhớ thương con của người cha trong xa cách:
++ Nhớ hình bóng con trong nghẹn ngào, thương con sống trong hoàn chia cắt: Ba ôm tấm áo xanh giữa ngực. Người cha như nghe được nhịp đập trái tim con qua tấm áo. Điều này cho thấy tình cảm cha con gần gũi, chan chứa, dù có khoảng cách địa lý hoặc thời gian.
++ Bồi hồi nhớ cặp mắt đen tròn - sự hồn nhiên, trong sáng của con. Tiếng con như tiếng chim non gọi đàn, âm thanh ấy giờ chỉ còn là kí ức vẳng xa. Âm thanh ấy cũng thể hiện khát khao gia đình đoàn tụ của người cha.
++ Gửi hi vọng về ngày mai trong chiếc áo cho con: Ngày mai ấy, nước non một khối, để vừa thỏa nỗi nhớ con, vừa mong sớm ngày đoàn tụ, hình dung mai này đất nước thống nhất, các con thơ hạnh phúc, sum vầy.
++ Hình ảnh áo thêu chim trắng trở thành biểu tượng của niềm tin, hi vọng vào tương lai tốt đẹp.
=> Nỗi lòng nhớ con được người cha gửi gắm vào thơ như những nỗi niềm yêu thương, mong ước, như một cách lưu giữ kí ức và động viên chính mình.
+ Nghệ thuật:
++ Thể thơ song thất lục bát (câu thơ, nhịp thơ, giọng thơ, gieo vần....); kết hợp các biện pháp tu từ, tạo nên âm hưởng buồn thương, nhung nhớ.
++ Hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị nhưng mang đầy tính biểu tượng.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái có thể vừa là động lực, vừa là áp lực.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích:
++ Tình yêu thương là sự quan tâm, chăm sóc đối với những người xung quanh.
++ Động lực là những nhân tố thúc đẩy mỗi cá nhân cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình để đạt mục tiêu đã đề ra.
++ Áp lực là những yếu tố khiến con người sống trong sự đè nén, mệt mỏi khiến trạng thái tinh thần con người rơi vào tình trạng tồi tệ nhất.
=> Tình yêu thương của cha mẹ là sự quan tâm, chăm sóc đôi khi là sự kì vọng vào con cái. Điều đó có thể tạo cho con động lực để phát triển, hoàn thiện nhưng cũng có thể vô hình tạo ra những áp lực cho con cái.
+ Bàn luận: HS thể hiện quan điểm cá nhân (đồng tình hoặc không đồng tình), giải thích và đưa ra dẫn chứng một cách hợp lý. Có thể theo một số gợi ý sau:
++ Tình yêu thương của cha mẹ tạo động lực cho con:
+++ Tình yêu thương của cha mẹ giúp con cảm thấy yên tâm, vững vàng hơn hơn trong cuộc sống.
+++ Tình yêu thương của cha mẹ khiến con có cảm giác được động viên, khích lệ, từ đó tạo động lực cố gắng, phấn đấu tốt hơn.
+++ Tình yêu thương của cha mẹ cũng chính là điểm tựa giúp con vững bước vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, là liều thuốc xoa dịu những lúc con đau buồn, thất bại,…
++ Tình yêu thương của cha mẹ vô tình tạo những áp lực cho con:
+++ Cha mẹ yêu thương và kì vọng quá vào năng lực của con sẽ gây cho con căng thẳng, mệt mỏi, lo sợ khi không làm cha mẹ hài lòng.
+++ Tình yêu thương quá lớn đôi khi tạo ra sự kiểm soát, áp đặt khiến con cái cảm thấy áp lực, khó chịu, có thể nảy sinh sự đối phó và những lời nói dối,…
+ Giải pháp:
++ Con cái cần học cách đón nhận và trân trọng tình yêu thương của cha mẹ.
++ Cha mẹ cùng cần học cách yêu thương con sao cho phù hợp, thường xuyên chia sẻ để thấu hiểu mong muốn, tâm lí của con.
+ Khẳng định lại quan điểm của bản thân:
++ Sự khác biệt về thế hệ dễ dẫn đến sự bất đồng quan điểm, vì vậy con cái cần chia sẻ những mong muốn cá nhân để cha mẹ thấu hiểu. Cha mẹ cũng lắng nghe ý kiến của con để dung hòa, tạo không khí gia đình hạnh phúc, đầm ấm.
++ Con cái cần đặt ra mục tiêu và xây dựng kế hoạch thực hiện; chứng minh năng lực và quyết tâm của bản thân thông qua hành động cụ thể. Cha mẹ nhận rõ năng lực của con để động viên, khích lệ, có hướng phát triển cho phù hợp,…
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.