Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 3 SVIP
Đọc văn bản sau:
Xin trả lại con Làng Nủ
(Trích)
Làng Nủ mình đâu rồi bố ơi?
Mẹ và các em con cũng đâu rồi hả bố?
Sao bố con mình cùng lấm lem bùn lũ?
Đây là đâu mà mù mịt thế này?
Không thể nào con cựa được chân tay
Không thở được, mũi mồm toàn bùn đất
Có phải bố đấy không mà ôm con rất chặt?
Tỉnh lại đi bố ơi! Đưa con trở về nhà!
Trường của con vừa khai giảng hôm qua
Con sung sướng ngày đầu tiên đi học
Chưa biết tên bạn bè, nhiều đứa còn dỗi khóc
Sao giờ đây con chỉ thấy bùn?
Con muốn về nhà, về Làng Nủ yêu thương
Muốn đi học, đón Trung Thu cùng bạn
Không muốn ở đây dưới đất này lạnh lắm
Bố tỉnh lại đi… đưa con về!
[…]
(Đỗ Xuân Thu, vanvn.vn, cập nhật 21/09/2024)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?
Câu 2 (0,5 điểm). Xác định những từ ngữ miêu tả hoàn cảnh của “con” trong hai khổ thơ đầu.
Câu 3 (1,0 điểm). Nhận xét về tác dụng của biện pháp tu từ được dùng trong đoạn thơ sau.
Trường của con vừa khai giảng hôm qua
Con sung sướng ngày đầu tiên đi học
Chưa biết tên bạn bè, nhiều đứa còn dỗi khóc
Sao giờ đây con chỉ thấy bùn?
Câu 4 (1,0 điểm). Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?
Câu 5 (1,0 điểm). Từ góc nhìn của người trẻ, em có thể làm gì để chia sẻ với những người ở vùng lũ?
Hướng dẫn giải:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5 điểm) Nhân vật trữ tình trong bài thơ là tác giả.
Câu 2 (0,5 điểm) Từ ngữ miêu tả hoàn cảnh của “con” trong hai khổ thơ đầu: lấm lem bùn lũ, không thể nào con cựa được chân tay, không thở được, mũi mồm toàn bùn đất.
Câu 3 (1,0 điểm)
– Biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ.
– Tác dụng:
+ Nhấn mạnh hoàn cảnh ngặt nghèo của đứa bé đang bị vùi lấp, nằm sâu dưới lòng đất rất thương tâm.
+ Nhấn mạnh tâm trạng đau xót, bất lực của chính tác giả khi nhìn những đứa bé đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của lũ lụt, sạt lở.
Câu 4 (1,0 điểm) Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: Nỗi niềm đau xót, thương cảm dành cho những đứa bé ở làng Nủ đã ra đi trong trận lũ lụt, sạt lở.
Câu 5 (1,0 điểm) Học sinh cần nêu ra những việc mình có thể làm để chia sẻ với những người ở vùng lũ lụt.
Gợi ý:
– Gửi đến họ những lời động viên, chia sẻ chân thành; động viên họ vượt qua những khó khăn trước mắt, khắc phục hậu quả sau lũ lụt.
– Với tinh thần nhường cơm sẻ áo, hãy tham gia quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh đau thương, mất mát sau lũ.
– …
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích những đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích trong bài thơ “Xin trả lại con Làng Nủ” ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). “Cuộc sống là một hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa những điều bạn yêu thích và những điều bạn cần làm.” – (Steve Job – nhà đồng sáng lập tập đoàn Apple).
Từ góc nhìn của một người trẻ, theo em, học sinh cần làm gì để cân bằng giữa mong muốn của bản thân và kì vọng của gia đình? Viết một bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân.
Hướng dẫn giải:
II. PHẦN VIẾT
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích trong bài thơ “Xin trả lại con Làng Nủ”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Thể thơ tự do, phóng khoáng đã giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc một cách rõ nét, đầy đủ và trọn vẹn, đó chính là sự xót thương trước những mất mát, đau thương của những người dân ở Làng Nủ – một ngôi làng đã từng là nơi sinh sống yên bình của rất nhiều người dân ở Lào Cai. Hình ảnh những đứa trẻ thơ bé bỏng, non nớt đã không còn nữa và những ước mơ, những khao khát nhỏ bé của các em đã mãi mãi khép lại.
+ Từ ngữ giàu hình ảnh, có giá trị biểu cảm cao: Lấm lem bùn lũ, không thể nào con cựa được chân tay, không thở được, mũi mồm toàn bùn đất.
+ Câu hỏi tu từ, câu cảm thán để bộc lộ trực tiếp cảm xúc (Đây là đâu mà mù mịt thế này?/ Có phải bố đấy không mà ôm con rất chặt?/ Sao giờ đây con chỉ thấy bùn?).
+ Các biện pháp tu từ: điệp ngữ, liệt kê… được sử dụng hiệu quả khi khắc họa thảm cảnh đáng thương do thiên tai gây ra.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Học sinh cần làm gì để cân bằng giữa mong muốn của bản thân và kì vọng của gia đình?
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích:
++) Mong muốn cá nhân: Là những ước mơ, khát vọng mà mỗi người khao khát đạt được, phản ánh sở thích, năng lực, và giá trị quan của bản thân.
++) Kì vọng gia đình: Là những mong đợi của cha mẹ dành cho con cái, thường xuất phát từ tình yêu thương, kinh nghiệm sống và hi vọng về một tương lai tốt đẹp.
+ Thực trạng:
++) Sự khác biệt trong suy nghĩ giữa thế hệ cha mẹ và con cái khiến việc dung hòa trở nên khó khăn.
++) Nhiều học sinh cảm thấy áp lực khi phải sống theo những mong đợi của gia đình mà không được tự do theo đuổi đam mê cá nhân.
+ Nguyên nhân:
++) Khác biệt thế hệ: Cha mẹ lớn lên trong bối cảnh khác với con cái, nên giá trị quan và mục tiêu sống có sự chênh lệch.
++) Thiếu giao tiếp: Cha mẹ và con cái không dành đủ thời gian để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
++) Áp lực xã hội: Thành công thường được định nghĩa qua các tiêu chuẩn chung như điểm số, nghề nghiệp làm tăng thêm áp lực cho cha mẹ và con cái.
+ Hệ quả:
++) Đối với con cái: Cảm thấy lạc lõng, mất đi động lực học tập, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
++) Đối với gia đình: Gây rạn nứt tình cảm và làm giảm sự gắn kết giữa các thành viên.
+ Giải pháp:
++) Hiểu rõ bản thân và kì vọng của gia đình: Xác định đam mê, năng lực và tìm hiểu mong muốn, lí do đằng sau kì vọng đó.
++) Giao tiếp cởi mở và chân thành: Trò chuyện với cha mẹ về những khó khăn của bản thân, lắng nghe ý kiến của cha mẹ.
++) Đề xuất giải pháp dung hòa: Lên kế hoạch chi tiết, cân bằng giữa đam mê và kì vọng của gia đình.
++) Chứng minh năng lực và sự quyết tâm qua hành động.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.