Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo số 5 SVIP
Đọc văn bản sau:
Mắt người Sơn Tây
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan.
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông.
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ.
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta?
(Quang Dũng, Tuyển tập Quang Dũng, NXB Văn học, 2000)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 2 (0,5 điểm). Xác định những từ ngữ/ dòng thơ dùng để miêu tả “đôi mắt” trong khổ thơ thứ 5.
Câu 3 (1,0 điểm). Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện trong bài thơ.
Câu 4 (1,0 điểm). Phân tích hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong hai dòng thơ sau:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Câu 5 (1,0 điểm). Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng) trình bày về một thông điệp sâu sắc bài thơ đã gợi ra cho em.
Hướng dẫn giải:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0,5 điểm) Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tôi – người con trai đi lính.
Câu 2 (0,5 điểm) Những từ ngữ/ dòng thơ dùng để miêu tả “đôi mắt” trong khổ thơ thứ 5: U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây/ Khúc hoàn ca rớm lệ.
Câu 3 (1,0 điểm) Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện trong bài thơ:
– Yêu mến cảnh đẹp quê hương, ấn tượng về đôi mắt người Sơn Tây, mong ước đất nước sẽ sớm trở lại khung cảnh yên bình, dẫu cho ngày đó vẫn còn xa.
– Yêu quê hương một cách chân thành và sâu nặng, sẵn sàng chịu đựng mọi hi sinh gian khổ để đứng lên cầm súng bảo vệ quê hương, với tâm hồn bay bổng, lãng mạn của tuổi trẻ.
Câu 4 (1,0 điểm)
– Câu hỏi tu từ: Em có bao giờ em nhớ thương?
– Hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ:
+ Bộc lộ cảm xúc nhớ nhung, yêu mến và hi vọng vào tình cảm của cô gái dành cho xứ Đoài, dành cho nhân vật trữ tình.
+ Tạo âm hưởng da diết, thiết tha cho câu thơ, tăng tính tạo hình, biểu cảm cho cách diễn đạt.
+ Thể hiện tình yêu thương, niềm trân trọng của tác giả trước vẻ đẹp của quê hương, của những con người trong kháng chiến.
Câu 5 (1,0 điểm). Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng) trình bày về một thông điệp sâu sắc bài thơ đã gợi ra cho em.
– Hình thức:
+ Mô hình đoạn văn phù hợp, đảm bảo không mắc lỗi diễn đạt, chính tả.
+ Dung lượng: Ngắn gọn, từ 5 đến 7 dòng.
– Nội dung: Trình bày về một thông điệp sâu sắc của bài thơ.
+ Tình yêu quê hương, ý thức xây dựng đất nước giàu mạnh bền vững.
+ Trân trọng cuộc sống hòa bình, trân quý những điều bình dị trong cuộc sống đời thường.
+ …
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật mà em ấn tượng nhất trong bài thơ “Mắt người Sơn Tây” ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm). Có ý kiến cho rằng “Càng lún sâu vào đố kị, người ta sẽ đánh mất đi lòng tôn nghiêm và giá trị của bản thân.”.
Từ góc nhìn của bản thân, em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bày tỏ ý kiến về tác hại của lòng đố kị và giải pháp loại bỏ thói quen xấu này.
Hướng dẫn giải:
II. PHẦN VIẾT
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm):
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật mà em ấn tượng nhất trong bài thơ “Mắt người Sơn Tây”.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0,5 điểm):
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Hình ảnh “đôi mắt”: Từ tựa đề cho đến dòng kết thúc, hầu như, hình ảnh “đôi mắt” của “người Sơn Tây” luôn có một vị trí quan trọng, tạo thành một mạch liên kết xuyên suốt tác phẩm. Nó không được lặp lại theo kiểu nguyên dạng như nghệ thuật điệp từ. Nhưng được nhấn đi nhấn lại bởi những từ ngữ cùng trường nghĩa. Để rồi sau mỗi khổ thơ, ý nghĩa của hình ảnh này có một giá trị mới đối với việc tạo thông điệp cho tác phẩm.
+ Tính nhạc: Trong khuôn khổ bài thơ bảy chữ, tác giả khéo léo tạo nên sự bổng trầm của thanh điệu, độ mở của âm tiết và ngắt nhịp đăng đối. Nghệ thuật phối thanh, gieo vần, cách tổ chức nhịp điệu tạo nên âm hưởng của bài thơ.
+ Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm:
++) Vừng trán em vương trời quê hương, mắt em dìu dịu buồn Tây Phương xứ Đoài mây trắng: Gợi hình ảnh quê hương gần gũi, thân thuộc, nhưng chứa đựng nhiều nỗi đau, xót xa, u uất,…
++) Hoang bóng giặc, điêu tàn thôi lại nối điêu tàn, những xác già nua ngập cánh đồng: Phản ánh tội ác của giặc, cho thấy sự mất mát, đau thương của nhân dân và bộc lộ nỗi niềm xót xa của tác giả.
++) …
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0,5 điểm):
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo (0,25 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0,25 điểm): Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm): Bày tỏ ý kiến về tác hại của lòng đố kị và giải pháp loại bỏ thói quen xấu này.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1,0 điểm):
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích: Đố kị là việc mỗi người không bằng lòng với những gì bản thân mình đang có; nhòm ngó, có thái độ ghen ghét, muốn chiếm đoạt những thứ tốt đẹp hơn của người khác; không cam tâm chấp nhận bản thân mình thua kém người khác.
+ Biểu hiện:
++) Người có lòng đố kị luôn mang tâm lí muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác, thậm chí hơn người.
++) Đố kị là động cơ kích thích ý muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa lòng ích kỉ tăng lên.
+ Nguyên nhân:
++) Sự tham lam, ích kỉ, không muốn người khác hơn mình.
++) Sự tự ti của bản thân.
++) Áp lực của xã hội, áp lực đồng trang lứa.
+ Tác hại:
++) Gây ra những mâu thuẫn không đáng có với những người xung quanh, làm rạn nứt những mối quan hệ với bạn bè, người thân.
++) Tạo ra trạng thái tâm lí tiêu cực cho chính mình, khiến bản thân luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi.
++) Dễ sa ngã, dễ có những hành động mù quáng, mất lí trí làm tổn thương người khác.
++) Làm xấu hình ảnh của bản thân, đánh mất lòng tin của người khác dành cho chúng ta.
+ Giải pháp:
++) Nhìn nhận đúng giá trị của bản thân; phát huy năng lực, sở trường của mình.
++) Phân biệt rõ đố kị và thi đua; cố gắng giành lấy chiến thắng/ thành công bằng sự nỗ lực của mình.
++) Tìm cho mình một niềm vui trong cuộc sống, tránh suy nghĩ tiêu cực, tránh để những hào nhoáng bên ngoài của người khác ảnh hưởng đến tâm lí của mình.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1,5 điểm):
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0,25 điểm): Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo (0,5 điểm): Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.