Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo tỉnh Bắc Ninh SVIP
Đọc văn bản sau:
Con cảm ơn cô bài học sáng nay
Đã mở ra cho con chân trời mới
Một chân trời có cây xanh nắng gội
Một thiên đường với giấc mộng bình yên.
Con cảm ơn cô bài học sáng nay
Đã cho con yêu quê hương xứ sở
Con thuyền trắng rướn thân mình góp gió
Chở hạnh phúc về bao bến làng xa.
Con cảm ơn cô bài học sáng nay
Cho con hiểu yêu thương là lẽ sống
Biết cảm thông trước mảnh đời bất hạnh
Mở vòng tay... và luôn nở nụ cười
Con cảm ơn cô bài học sáng nay
Cho con hiểu cuộc đời là ánh sáng
Biết vững tin vào con đường đã chọn
Dẫu có gập ghềnh vấp ngã vẫn vươn lên.
Con cảm ơn cô với bao bài học ấy
Đã chắp cho con đôi cánh rộng dài
Dù mai sau đường đời muôn vạn lối...
Con vẫn ghi lòng bài học sáng nay.
(Lời con muốn nói, Nguyễn Thị Thu Phương, theo Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 3, năm 2018)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. (0,75 điểm) Văn bản trên là lời của ai nói với ai?
Câu 2. (0,75 điểm) Chỉ ra 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong hai khổ thơ đầu.
Câu 3. (1,0 điểm) Nêu nội dung của hai dòng thơ sau:
Con cảm ơn cô bài học sáng nay
Cho con hiểu yêu thương là lẽ sống.
Câu 4. (1,0 điểm) Trình bày ý nghĩa của hình ảnh đôi cánh rộng dài trong khổ thơ cuối.
Câu 5. (0,5 điểm) Từ nội dung của văn bản, em hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân (Trình bày từ 5-7 dòng).
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0,75 điểm)
Văn bản là lời của con nói với cô/ lời của học trò nói với cô giáo.
Câu 2. (0,75 điểm)
Các biện pháp tu từ được sử dụng trong hai khổ thơ đầu:
- Điệp cấu trúc:
Con cảm ơn cô bài học sáng nay... đã...
Con cảm ơn cô bài học sáng nay... cho con hiểu...
- Điệp ngữ: một; chân trời mới; một chân trời
- Ẩn dụ: chân trời mới; thiên đường; con thuyền trắng
Câu 3. (1,0 điểm)
Nội dung của 2 dòng thơ:
+ Tình cảm biết ơn, trân trọng của nhân vật con đối với cô giáo.
+ Bài học sáng nay của cô đã giúp nhân vật con hiểu được tầm quan trọng của tình yêu thương trong cuộc sống.
Câu 4. (1,0 điểm)
- Ý nghĩa của hình ảnh đôi cánh rộng dài trong khổ thơ cuối:
+ Làm cho lời thơ giàu hình ảnh, tăng sức gợi hình, gợi cảm.
+ Khẳng định những bài học mà cô giáo dạy đã giúp học trò có vốn kiến thức, mở rộng tầm nhìn, biết yêu quê hương, biết sẻ chia,...
+ Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người học trò với cô giáo.
Câu 5. (0,5 điểm)
- Nêu được bài học về lẽ sống với bản thân.
- Gợi ý: Luôn biết ơn, ghi nhớ công lao của thầy cô đã dạy dỗ; có ý thức và trách nhiệm học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi; ý nghĩa của những bài học trong nhà trường,...
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em về khổ thơ sau trong phần đọc hiểu:
Con cảm ơn cô bài học sáng nay
Cho con hiểu cuộc đời là ánh sáng
Biết vững tin vào con đường đã chọn
Dẫu có gập ghềnh vấp ngã vẫn vươn lên.
Câu 2. (4.0 điểm)
Trong thời đại phát triển của văn hóa nghe nhìn, một bộ phần giới trẻ thờ ơ với việc đọc sách.
Trước thực trạng đó, hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên và đề xuất giải pháp khắc phục.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2,0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng (200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Nội dung và nghệ thuật của khổ thơ: Con cảm ơn... vươn lên.
c. Viết được đoạn văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu
Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo các nội dung sau:
- Khổ thơ thể hiện niềm xúc động sâu sắc của nhân vật con về công ơn của thầy cô; niềm trân trọng trước những bài học của thầy cô, không chỉ là kiến thức mà còn là ánh sáng soi đường, giúp con luôn tin tưởng vào cuộc sống, lạc quan, kiên cường,...
- Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, hàm súc, giàu hình ảnh; giọng điệu chân thành, tha thiết; sử dụng nhiều biện pháp tu từ,...
d. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4,0 điểm)
a. Đảm bảo bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận
- Đảm bảo yêu cầu về bố cục và dung lượng (khoảng 600 chữ) của bài văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
- Hiện tượng thờ ơ với việc đọc sách của giới trẻ và giải pháp
c. Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu
- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và dẫn chứng; trình bày được hệ thống ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận. Có thể triển khai theo hướng:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài:
- Giải thích:
+ Sách là kho tàng tri thức vô giá, chứa đựng tinh hoa nhân loại qua nhiều thế kỉ.
+ Đọc sách là một hoạt động tiếp thu ngôn ngữ, nắm bắt thông tin, giao tiếp và chia sẻ ý tưởng.
- Bàn luận:
+ Thực trạng: Học sinh ít có thói quen đọc sách, dành ít thời gian và sự hứng thú cho việc đọc sách, thấy sách không hấp dẫn,...
+ Nguyên nhân: Do sự lấn át của văn hóa nghe nhìn, của mạng xã hội, của việc học tập căng thẳng,...
+ Tác hại: Hình thành một thói quen xấu, ảnh hưởng trong việc hỗ trợ tích lũy kiến thức, kỹ năng, rèn luyện phẩm chất của con người (lấy dẫn chứng phù hợp).
- Ý kiến trái chiều và phản bác ý kiến đó:
+ Một số ý kiến cho rằng đọc sách không quan trọng trong thời đại số vì có thể tiếp cận kiến thức trên internet, qua phương tiện nghe nhìn. Điều này chưa hoàn toàn chính xác bởi thông tin trên internet, phương tiện nghe nhìn không đảm bảo độ chính xác, hệ thống như trong sách,...
- Đề xuất giải pháp:
+ Cha mẹ cần có thói quen đọc sách để tạo thói quen cho con cái; khuyến khích con đọc sách,...
+ Nhà trường cần tổ chức các câu lạc bộ, ngày hội đọc sách,...
+ Bản thân học sinh chủ động dành thời gian đọc sách mỗi ngày,...
+ Mỗi người cần phải có phương pháp đọc sách phù hợp, biết chọn sách tốt, sách có giá trị để đọc; biết vận dụng, thực hành những điều đã đọc từ sách vào cuộc sống thường ngày,...
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Diễn đạt
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
đ. Sáng tạo
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.