Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề tham khảo của trường Nguyễn Tất Thành SVIP
Đọc văn bản sau:
BÁT CANH CỦA BÀ
[...] Kỉ niệm đậm nét nhất trong tôi về bà ngoại là hôm bà cho chúng tôi ăn bữa canh cua nấu với rau tập tàng. Rau tập tàng có nghĩa là các loại rau hỗn hợp, phần lớn là mọc hoang. Tôi xin đi theo bà để hái rau. Bà chỉ cho tôi từng loại rau một. Đây là cây dền cơm mọc từng bụi, lá xanh, có hoa lấm tấm ở đầu nhánh. Đây là rau đay, cọng tía, lá dài hình mắt người. Nơi rau dền và rau đay mọc thường có các loại châu chấu, cào cào sinh sống; tôi quên cả hái rau để vồ bắt chúng, khiến bà tôi phải nhắc. Đây là rau sam mọc lan từng khóm sát đất, lá nhỏ như tai chuột mà dày, trên xanh dưới tía, hoa vàng li ti. Đây là dây mùng tơi leo trên bụi duối, hàng chục ngọn ngóc lên tinh nghịch như cùng nhau chơi trốn tìm, từng chuỗi hoa như hạt cườm, quả chín màu tím đậm. Bà tôi và tôi đã hái đầy một rổ.
Bà bảo tôi:
- Cháu đợi bà hái ít bông thiên lý, bát canh có nó thơm và mát lắm.
- Bà ra gần bờ ao, nơi có giàn thiên lý bà trồng.
[...] Bà tôi hái xuống một nắm hoa thiên lý, chùm đang nụ, chùm nở màu vàng xanh, hương thơm ngọt lịm.
Sau đó bà ra cầu ao rửa rau và đi làm cua. Cua bà bắt là cua bò nắng. Tiết tháng sáu ta, nắng gắt nung đốt làm nước ruộng sủi tăm, những con cua phải bò lên thân cây lúa để trốn nóng. Bà ngoại bắt chúng khá dễ dàng. Trong giỏ của bà có đến năm chục con, con mai vàng, con mai màu xanh đá, con nào con nấy đều giương càng lên như để dọa tôi. Ấy thế mà bà trị được hết, chả con nào cắp được vào ngón tay bà.
Tôi thật không sao quên được bữa cơm chiều hôm ấy. Chỉ có món canh cua nấu rau tập tàng và cà muối, với một niêu cơm gạo đỏ. Bà ơi, đã gần sáu chục năm qua, cháu vẫn nhớ bát canh của bà, gạch cua béo ngậy, các loại rau thơm và mát, quả cà giòn tan, còn cơm bà nấu sao mà bùi và ngọt thế. Bà cứ tủm tỉm ngồi nhìn cháu ăn, bà còn quạt cho cháu bằng cái mo cau nữa.
Bây giờ thì quê ta đã giàu có hơn, khác hẳn trước rồi. Bà đã có một đàn cháu, chắt, chút, chít được nuôi nấng và học hành tử tế. Rau cỏ bây giờ nhiều loại hơn trước. Thức ăn cũng sẵn. Nhưng quên làm sao được nồi canh rau tập tàng ngày ấy, ngọt ngào lòng thơm thảo của bà.
(Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Vũ Tú Nam, trang 188-190, NXB Kim Đồng, 2015)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (1.0 điểm). Bát canh của bà có những hương vị gì? Vì sao bát canh ấy lại trở thành một phần kí ức không thể nào quên của nhân vật “tôi”?
Câu 2 (1.0 điểm). Nhận xét nghệ thuật miêu tả trong đoạn trích sau: “Đây là rau sam mọc lan từng khóm sát đất, lá nhỏ như tai chuột mà dày, trên xanh dưới tía, hoa vàng li ti. Đây là dây mùng tơi leo trên bụi duối, hàng chục ngọn ngóc lên tinh nghịch như cùng nhau chơi trốn tìm, từng chuỗi hoa trắng như hạt cườm, quả chín màu tím đậm”.
Câu 3 (1.0 điểm). Những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong tâm hồn mỗi người. Em có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao? (Trả lời trong khoảng 8 dòng).
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (1.0 điểm)
- Bát canh của bà có:
+ Vị béo ngậy của gạch cua.
+ Vị thơm và mát của các loại rau.
- Bát canh ấy trở thành một phần kí ức không thể nào quên của nhân vật “tôi”.
Vì:
+ Trong đó có hương vị ngọt lành của đồng đất quê hương.
+ Chứa đựng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc bà dành cho cháu.
+ Là kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, ấm áp được sống bên bà, sống với quê hương.
=> Bát canh bà nấu chính là sợi dây vô hình kết nối “tôi” với nguồn cội và những giá trị tinh thần sâu sắc, thiêng liêng.
Câu 2 (1.0 điểm)
Nhận xét nghệ thuật miêu tả:
+ Miêu tả tỉ mỉ, chân thực, sinh động các đặc điểm nổi bật của ra sam và rau mùng tơi (nơi rau mọc, các bộ phận của cây rau).
+ Các từ ngữ miêu tả đa dạng, phong phú, gợi hình, gợi cảm (các tính từ chỉ màu sắc: xanh, vàng, trắng, tím đậm; từ láy: li ti, tinh nghịch;...)
+ Sử dụng nhiều biện pháp tu từ như: liệt kê, nhân hóa, so sánh, điệp ngữ,...
=> Giúp cho người đọc hình dung rõ nét về đặc điểm của hai loại rau bình dị, dân dã vốn gắn với đồng quê đất Việt.
Câu 3 (1.0 điểm)
HS bày tỏ quan điểm cá nhân và giải thích ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục.
Gợi ý:
Đồng tình với ý kiến vì những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ:
- Mang đến cho ta niềm hạnh phúc ngọt ngào mỗi khi ta nhớ về và trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho ta trên mỗi bước đường đời.
- Nuôi dưỡng tâm hồn ta, giúp ta trưởng thành và thêm yêu cuộc sống.
- Là sợ dây kết nối mỗi người với gia đình, quê hương, nguồn cội.
-...
Câu 1 (3.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật người bà trong văn bản đã dẫn ở phần đọc hiểu.
Câu 2 (4.0 điểm)
Bát canh rau tập tàng ngọt ngào lòng thơm thảo của bà đã nhắc nhở chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của những điều bình dị trong cuộc sống hôm nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (3.0 điểm)
a. Hình thức
* Đảm bảo bố cục và dung lượng của đoạn văn nghị luận phân tích một nhân vật trong văn bản truyện:
- Đoạn văn: Khoảng 200 chữ.
- Bố cục: 3 phần: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
* Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
* Hành văn, diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, sáng tạo, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.
b. Nội dung
* Xác định đúng yêu cầu phân tích: Đặc điểm nổi bật của nhân vật người bà, đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật người bà của truyện ngắn.
* Phân tích được một số ý chính sau:
- Một số đặc điểm nổi bật của người bà:
+ Bà là người phụ nữ nông thôn tần tảo, chịu thương, chịu khó, khéo léo, đảm đang (am hiểu các loại rau, trồng giàn thiên lý, bắt cua tháng sáu,...)
+ Bà giàu tình yêu thương và đức hi sinh thầm lặng (tỉ mỉ chọn nguyên liệu để nấu bữa cơm ngon lành cho cháu, tủm tỉm nhìn cháu ăn, quạt mát cho cháu,...)
- Một số đặc sắc về nghệ thuật xây dựng nhân vật người bà:
+ Bà được miêu tả chân thực, sinh động qua lời nói, các hành động, việc làm cụ thể.
+ Lựa chọn ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện là người cháu với những quan sát, cảm nhận sâu sắc đã làm sáng rõ vẻ đẹp của bà.
+ Tình huống truyện đơn giản, chỉ xoay quanh việc bà chuẩn bị bữa cơm gia đình nhưng đã thể hiện được rõ nét các phẩm chất quý báu của bà.
=> Bát canh rau tập tàng ngọt ngào lòng thơm thảo của bà đã nhắc nhở chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống.
Câu 2. (4.0 điểm)
a. Hình thức
* Bảo đảm bố cục và dung lượng của bài văn nghị luận:
- Bài văn: Khoảng 400 chữ.
- Bố cục: 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài
* Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp: Kết hợp nhuần nhuyễn lí lẽ và bằng chứng: Trình bày được hệ thống ý hợp lý, logic theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận.
* Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
* Hành văn, diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.
b. Nội dung
* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Trình bày ý kiến của bản thân về ý nghĩa của những điều bình dị trong cuộc sống hôm nay.
* Viết được bài văn nghị luận đảm bảo các yêu cầu:
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề đó.
2. Thân bài:
- Giải thích:
+ “Những điều bình dị”: Là những điều gần gũi, thân thuộc, giản dị xung quanh cuộc sống của chúng ta.
+ Biểu hiện: Có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi như bữa cơm hằng ngày mẹ nấu, giây phút nô đùa, tâm sự cùng bạn bè, một bông hoa nở ven đường, hay đơn giản chỉ là tiếng xe về mỗi chiều của bố,...
=> Những điều bình dị luôn hiện hữu quanh ta và có ý nghĩa vô cùng to lớn.
- Bàn luận:
+ Những điều bình dị chính là một phần tất yếu làm nên cuộc sống của mỗi người.
+ Là sợi dây kết nối người với người và vun đắp những tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống như tình cảm gia đình, tình bạn bè,...
+ Giúp ta sống biết ơn, sống hết mình và trải nghiệm cuộc sống một cách sâu sắc, tích cực. Thay vì tìm kiếm những trải nghiệm lớn lao, phức tạp, ta có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong những điều giản đơn, bình dị, đời thường,
+ Những điều nhỏ bé, bình dị trong cuộc sống còn có thể nuôi dưỡng, bồi đắp những ước mơ, khát vọng lớn lao, cao cả.
+...
- Bàn luận mở rộng:
+ Cần hiểu rằng trân trọng những điều bình dị không có nghĩa là phủ nhận giá trị của những điều lớn lao, cao cả, có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của con người.
+ Phê phán những người chỉ mải mê chạy theo những gì xa hoa, hào nhoáng mà lãng quên những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống.
- Bài học:
+ Cần nhận thức được sâu sắc ý nghĩa của những điều bình dị để làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên đẹp đẽ, thú vị và đáng sống hơn.
+ Sống chậm lại, dành thời gian tận hưởng những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống, đặc biệt là những phút giây bên gia đình, người thân,...
3. Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
c. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.