Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Tự luận SVIP
Tải đề xuống bằng file Word
I. ĐỌC HIỂU (6.0 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
NGƯỜI BẠN MỚI
Buổi học hôm nay có chuyện “hay” quá! Vừa về đến nhà Tú khoe ngay với mẹ:
– Mẹ ơi! Lớp con có một thằng…
Mẹ ngẩng lên:
– Sao lại thằng?
Tú vẫn hớn hở:
– Vâng! Một thằng mới vào học mẹ ạ! Buồn cười lắm!
Mẹ nhìn em:
– Buồn cười làm sao?
– Hí hí! Nó mặc áo con gái, mẹ ạ!
Mẹ hỏi:
– Áo con gái thế nào?
Tú vừa cười vừa kể rằng: Cái “thằng ấy” mới xin chuyển về, vào lớp 5C của con, nó mặc cái quần ngắn ơi là ngắn và cái áo sơ mi ở trong chiếc áo len thì lại cổ lá sen. Kiểu cổ áo của con gái. Thế có buồn cười không?
– Cái thằng ấy, mẹ ạ…
Mẹ lắc đầu:
– Sao con cứ gọi bạn là thằng thế nhỉ? Nói chuyện với mẹ, với bố, con không được gọi bạn là thằng nọ thằng kia. Bạn ấy tốt hay xấu mà con lại gọi thế?
Tú lúng túng:
– Con… con cũng chưa biết ạ!
– Không biết một tí gì hết?
Tú ngần ngừ, rồi thưa:
– Nó nhát lắm mẹ ạ. Chúng con chế là mặc áo con gái, nó chỉ im lặng rồi đứng một mình thôi.
Nghe Tú nói, vẻ mặt mẹ vẫn không vui. Mẹ nhìn em có ý trách:
– Hết gọi bạn là thằng, rồi lại gọi là nó. Sao con không gọi hẳn tên bạn ra hoặc là: bạn ấy, bạn con được nhỉ? Tên bạn ấy là gì?
– Là Nam. Phó Văn Nam mẹ ạ. Buồn cười quá cơ!
– Thế thì đến mai, con hãy chơi với Nam và hỏi sao Nam lại mặc áo con gái nhé!
Cậu Nam ấy, hóa ra là một học sinh giỏi. Ngay bài toán đầu tiên làm ở lớp mới, không cần phải hỏi bạn ngồi bên cạnh, không xem bài của ai, cậu ấy đã được hẳn mười điểm. Mà chữ viết nữa chứ, rất đẹp.
Tú làm quen và biết được rằng nhà Nam nghèo thôi. Đến cái ti vi, bố mẹ cậu ấy cũng không có tiền để mua. Nam phải chuyển trường đi theo bố mẹ, vì mãi đến bây giờ cơ quan mới chia nhà cho. Trước đây là đi ở nhờ. Bố mẹ Nam có hai con. Chị Nam là con gái, áo quần mặc chật từ lúc bé, có cái nào mẹ lại mặc cho Nam. Mặc ở nhà và mặc ở trong cũng được. Mẹ Nam bảo Nam là: bộ mặc ở ngoài thì cần phải đúng là của con trai. Lớn hơn nữa, thì thôi. Giờ còn bé thì mặc tạm. Mẹ sẽ dành tiền may cho Nam. Thương mẹ vất vả, nên Nam đã vâng lời. Tú nghe bạn kể mà thương bạn. Mặc áo thừa của chị, mà vẫn học giỏi, lại biết thương mẹ, chứ không đua đòi, thấy ai có cái gì cũng muốn có theo.
Ngay hôm đó, về nhà Tú khoe:
– Mẹ ơi! Bạn Nam ấy, hay lắm mẹ ạ!
Mẹ hỏi:
– Hay làm sao?
– Bạn ấy là học sinh giỏi và… ngoan, mẹ ạ!
Mẹ nhìn em. Ánh mắt mẹ cười vui…
(Phong Thu, Những truyện hay viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)
Câu 1. (0.5 điểm) Văn bản trên thuộc thể loại gì?
Câu 2. (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 3. (1.0 điểm) Theo văn bản, vì sao nhân vật Nam mặc áo con gái?
Câu 4. (1.0 điểm) Tìm 1 từ ghép Hán Việt trong văn bản và giải thích nghĩa của từ đó.
Câu 5. (1.0 điểm) Nhận xét về nhân vật người mẹ trong văn bản trên.
Câu 6. (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Văn bản thuộc thể loại truyện ngắn.
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự.
Câu 3. Nam mặc áo con gái vì nhà Nam khó khăn, phải mặc lại quần áo của chị gái.
Câu 4. HS tìm được 1 từ ghép Hán Việt và giải thích đúng nghĩa của từ đó.
Ví dụ: Từ ghép Hán Việt “học sinh”: người đang trong độ tuổi đi học, đang học tại các trường phổ thông.
Câu 5. HS đưa ra nhận xét về nhân vật người mẹ, có thể theo hướng: người mẹ trong văn bản là một người biết cách nuôi dạy con, muốn con trở thành một người sống văn minh, biết cảm thông với người người khác,…
Câu 6.
– Đảm bảo hình thức đoạn văn với dung lượng 5 – 7 câu.
– Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn, tập trung trình bày suy nghĩ về bài học được rút ra từ văn bản. Có thể tham khảo một số bài học:
+ Không nên cười cợt, vội vàng đánh giá một ai đó.
+ Luôn chăm chỉ học tập, vượt lên hoàn cảnh.
– Đảm bảo viết đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
II. VIẾT (4.0 ĐIỂM)
Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề sử dụng điện thoại di động ở lứa tuổi học sinh lớp 6.
Hướng dẫn giải:
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài – thân bài – kết bài.
b. Xác định đúng yêu cầu của bài văn nghị luận: suy nghĩ về vấn đề sử dụng điện thoại ở lứa tuổi học sinh lớp 6.
c. Triển khai yêu cầu của bài:
HS có thể triển khai bài làm theo nhiều hướng khác nhau, đảm bảo các yêu cầu sau:
* Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận: sử dụng điện thoại ở lứa tuổi học sinh lớp 6.
* Thân bài: đưa ra ý kiến bàn luận, kết hợp sử dụng lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến:
HS đưa ra quan điểm cá nhân, có thể tham khảo cách triển khai sau:
– Lợi ích của việc sử dụng điện thoại:
+ Giúp học sinh tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ dàng.
+ Giúp học sinh có phương tiện để liên lạc, giải trí, kết nối với mọi người,…
– Tác hại khi sử dụng điện thoại không đúng cách:
+ Học sinh dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, khiến cho việc học tập bị sa sút.
+ Học sinh có nguy cơ bị xâm hại trên mạng khi bị kẻ xấu tấn công.
-> Học sinh cần sử dụng điện thoại đúng mục đích, có sự kiểm soát của người lớn.
* Kết bài: khẳng định vấn đề, liên hệ bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp: đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: có suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ, sinh động.