Tôi vẫn nhớ như in một câu nói của Vincent Van Gogh “Những việc lớn lao đều được tạo nên từ những việc nhỏ nhặt”. Đôi khi chúng ta thường hay phớt lờ những tiểu tiết mà quên mất rằng đó cũng chính là một mảnh ghép trong bức tranh thành công của chính mình. Và đoạn văn trên càng củng cố thêm niềm tin của tôi về những “cú hích nhỏ” nếu chúng ta tập trung vào đó sẽ dẫn đến một kết quả bất ngờ. Trong đoạn văn trên, có một thuật ngữ đặc biệt được nhắc tới đó là “Hiệu ứng cánh bướm”. Một con bướm ở Brazil là một tác động vô cùng nhỏ bé không đáng kể trong cuộc sống này nhưng lại có thể gây ra “một cơn lốc xoáy ở Texas” - một thảm họa dữ dội thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ của thế giới xung quanh chỉ do tác động nhỏ như cái đập cánh bướm ở một nơi xa xôi khác. Và qua đó để tô đậm vai trò của “cú hích nhỏ”. Đó có thể là những nhân tố nhỏ bé như lời nói và hành động nhưng lại tạo ra một sự thay đổi lớn lao có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng. Tác giả muốn chúng ta chú ý rằng những xuất phát điểm tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng có thể mang tới những tác động lớn lao mà chính chúng ta không lường trước được. Trong triết học, khái niệm “duy vật biện chứng” từng chỉ ra rằng mọi sự vật tồn tại trên thế giới đều có tác động qua lại với nhau. Thế giới tự nhiên và thế giới của con người cũng vậy luôn là một thể thống nhất hài hòa mà ở đó các cá thể nhân tố dù bé nhỏ hay lớn lao đều có mối quan hệ tác động qua lại, chịu ảnh hưởng lẫn nhau, không thể tách rời. Vì vậy hành động dù nhỏ bé đến mức nào cũng sẽ dẫn tới một hệ quả nhất định. Những điều vĩ đại hoặc khủng khiếp đều bắt đầu những gì nhỏ bé, tinh vi nhất. Có thể nói, mỗi cú hích nhỏ là nguồn cảm hứng cho mọi người trong cộng đồng xã hội. Con người thường tự ti vì muốn làm những điều lớn lao, muốn đóng góp cho cộng đồng, đất nước mình nhiều hơn. Song sức lực có hạn là rào cản khiến mong muốn được cống hiến ấy thì những “cú hích nhỏ” xuất hiện và trao cho chúng ta niềm tin rằng những hành động tử tế vô danh cũng có thể tạo ra thế giới được sưởi ấm bằng tình yêu thương chân thành nhất. Tôi chợt nhớ đến mẹ Teresa. Mẹ chính là một người “bình thường” tại điểm xuất phát nhưng chính tình yêu thương không biên giới đã khiến Mẹ trở thành một người vĩ đại. Mẹ bắt đầu hành trình lan tỏa những giá trị cộng đồng tốt đẹp từ Ấn Độ sau đó là mọi nơi trên thế giới. Nhờ những đóng góp của Mẹ đã cứu vớt bao số phận khổ đau có cơ hội được đến trường, thắp lên ước mơ về cuộc sống hạnh phúc đủ đầy. Có lẽ rất khó để chúng ta có thể làm được như Mẹ Teresa nhưng mỗi ngày chúng ta đóng góp những điều nhỏ nhặt nhất gom tất cả chúng lại, ta sẽ thấy tấm áo hạnh phúc đã ôm trọn cho những mảnh đời bất hạnh và cả chính tâm hồn của chúng ta. Ngoài ra, những “cú hích nhỏ” giúp chúng ta giải phóng nguồn nội lực ở dạng tiềm năng để dẫn đến một bước tiến nhảy vọt tận dụng những cơ hội trước mắt để thành công. Khi những “cú hích nhỏ” với giá trị tích cực xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội thì những điều tốt đẹp được lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh những cú hích mang đến năng lượng tích cực thì cũng có những cú hích mang đến dư chấn dữ dội gây tổn thương sâu sắc cho con người và tổn hại cho xã hội. Có thể kế đến những các vụ án gần đây xảy ra ở lứa tuổi vị thành niên tưởng như những bọt sóng nhỏ xuất hiện rồi biến mất nhưng chúng liên tục nối tiếp nhau dấy lên hồi chuông cảnh báo đến toàn xã hội về sự suy đồi đạo đức của con người. Những “cú hích nhỏ” thường xuất hiện dưới dạng cơ hội và mỗi chúng ta cần tìm cách nắm bắt nó. Đặc biệt cần phê phán thái độ coi thường những điều nhỏ bé của một bộ phận người trong xã hội chỉ quan tâm đến những điều lớn lao, vĩ đại. Tôi rút ra một bài học sâu sắc cho bản thân từ đoạn văn trên là mỗi người cần tự kiến tạo cho mình những cú hích và khi cú hích đó đến với mình hãy chuyển hóa nó thành bước đệm để bản thân tiến xa hơn.