Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Đề kiểm tra cuối học kì II (Đề số 5) SVIP
Đọc văn bản sau:
Cánh đồng và mẹ
Lúa chưa kịp khô
Mưa đã trút nhọc nhằn lên vai mẹ
Mẹ như cánh đồng tháng năm không kịp thở để gieo vụ tháng mười
Mẹ gánh lúa về nhà
Con đèo gạo lên thị xã
Mẹ tưới mồ hôi xuống đất
Cấy hy vọng đời con.
Bao năm chưa về làng
Để mặc cánh đồng chiêm mùa lặn lội
Mẹ giờ tha thẩn tuổi già
Cánh đồng thay người cấy mới
Con vẫn xa như những ngày đèo gạo lên thị xã
Bỏ lại cánh đồng rạ rơm.
Con lâu chưa về làng
Không biết cánh đồng đang hẹp lại
Con đường lên thị xã
Mịt mờ ngoại ô.
Trưa nay bữa ăn ở phố
Bát cơm bốc khói quê nhà
Có phải cơm nấu từ gạo làng mình bởi những người cấy mới!
Bất chợt nhớ làng
Nhớ đồng
Nhớ mẹ
Ôi cánh đồng như lòng mẹ
Bao dung.
(Nguyễn Doãn Việt, Dẫn theo Hội nhà văn Việt Nam, vanvn.vn, 13/03.2024)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện nỗi vất vả của người mẹ trong khổ thơ thứ nhất.
Câu 3. Dựa vào ngữ cảnh, hãy xác định nghĩa của từ “cấy” trong trường hợp sau:
Mẹ tưới mồ hôi xuống đất
Cấy hy vọng đời con.
Câu 4. Trình bày tác dụng của 01 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ thứ tư.
Câu 5. Trong khổ thơ thứ hai, người con đã thể hiện tình cảm, cảm xúc gì?
Câu 6. Với tác giả, hình ảnh người mẹ và cánh đồng là một phần không thể thiếu trong kí ức. Với em, kí ức nào của tuổi thơ là khó quên? Hãy viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu chia sẻ cảm xúc của mình về kí ức đó.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0,5 điểm) Thể thơ tự do.
Câu 2 (0,5 điểm) Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện nỗi vất vả của người mẹ trong khổ thơ thứ nhất: Mưa đã trút nhọc nhằn lên vai mẹ; Mẹ như cánh đồng tháng năm không kịp thở để gieo vụ tháng mười; Mẹ gánh lúa về nhà; Mẹ tưới mồ hôi xuống đất.
Câu 3 (1,0 điểm) Nghĩa của từ “cấy” trong hai dòng thơ “Mẹ tưới mồ hôi xuống đất/ Cấy hy vọng đời con.”: Đặt vào con mọi hy vọng, niềm tin, mong con thành công. “Cấy” còn là hành động mang tính vun đắp, hy sinh của mẹ để con có được tương lai tươi sáng.
Câu 4 (1,0 điểm)
– Học sinh cần xác định đúng biện pháp tu từ và nêu tác dụng.
– Gợi ý:
+ Biện pháp so sánh: Ôi cánh đồng như lòng mẹ.
+ Tác dụng của biện pháp so sánh: Giúp người đọc hình dung, cảm nhận về tình cảm yêu thương, tấm lòng bao dung của người mẹ dành cho con; giúp diễn đạt của câu thơ thêm gợi hình, gợi cảm.
+ Biện pháp điệp từ: Nhớ.
+ Tác dụng của biện pháp điệp từ: Nhấn mạnh nỗi nhớ mong da diết của người con dành cho làng quê, cho cánh đồng và đặc biệt là cho mẹ. Người con nhớ về nơi mình được sinh ra và lớn lên, nhớ cánh đồng gắn liền với tuổi thơ và nhớ về mẹ đã tần tảo nuôi mình ăn học; giúp diễn đạt của câu thơ thêm gợi hình, gợi cảm, giàu nhạc điệu.
Câu 5 (1,0 điểm) Trong khổ thơ thứ hai, người con đã thể hiện nỗi tiếc nuối, ân hận của mình khi chưa về thăm quê, thăm cánh đồng, mặc mẹ tuổi già sức yếu.
Câu 6 (2,0 điểm)
– Hình thức:
+ Mô hình đoạn văn phù hợp, đảm bảo không mắc lỗi diễn đạt, chính tả.
+ Dung lượng: Ngắn gọn, từ 5 đến 7 câu.
– Nội dung: Bày tỏ cảm xúc về một kí ức tuổi thơ khó quên.
(4,0 điểm) Tục ngữ là túi khôn của dân gian. Từ xưa, tổ tiên ta đã truyền tai nhau những câu tục ngữ khuyên răn con cháu sống phải biết chia sẻ, đùm bọc, gắn kết với nhau. Hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn về một câu tục ngữ có chủ đề yêu thương, đoàn kết trong cuộc sống.
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng chủ đề của bài viết: Bàn về một câu tục ngữ có chủ đề yêu thương, đoàn kết trong cuộc sống.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn:
* Mở bài:
+ Giới thiệu về câu tục ngữ, khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ ấy, nêu vấn đề được gợi ra từ câu tục ngữ.
+ Thể hiện ý kiến tán thành hay phản đối về vấn đề cần bàn luận.
* Thân bài:
+ Giải thích từ ngữ quan trọng (nếu có) và ý nghĩa của câu tục ngữ.
+ Nêu ít nhất hai lí lẽ thuyết phục, chặt chẽ để làm rõ ý kiến.
+ Nêu bằng chứng đa dạng, thuyết phục để củng cố cho lí lẽ.
+ Lật lại vấn đề, bổ sung ý kiến để cách nhìn về vấn đề thêm toàn diện.
* Kết bài:
+ Khẳng định lại ý kiến.
+ Đề xuất giải pháp, bài học nhận thức và phương hướng hành động.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc; có cách diễn đạt mới mẻ.