K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

28 tháng 3 2016

Xuân Diệu là nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam ; nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ Xuân Diệu là khúc hát nồng nàn, tha thiết về tình đời, tình người được thể hiện qua những cách tân nghệ thuật nhiều mới lạ. Cuộc sống trong thơ Xuân Diệu thật phong phú tuyệt diệu, Đó không phải là một thiên đường trên mặt đất, một vũ trụ đầy sung sướng, rất đáng sống (hỡi xuân hồng …). Đúng như nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan viết: “Với nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía”. Và có lẽ bài “Vội Vàng” bộc lộ đầy đủ nhất nhận định trên về thơ Xuân Diệu.

 

Bài “Vội Vàng” có hình ảnh cả một thiên đường trên mặt đất: Xuân Diệu phát hiện và khẳng định dứt khoát mùa xuân và mọi cảnh đẹp quanh ta là cả một thế giới thần tiên.Bốn câu đầu: Hình ảnh cái tôi lãng mạn bộc lộ rất độc đáo:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”.

“Tắt nắng” để cho màu không nhạt phai, “buộc gió” để cho hương còn ở lại mãi với hoa; cũng có nghĩa thi sĩ muốn lưu giữ thời gian để cho tuổi trẻ mãi mãi còn xanh; mùa xuân mãi mãi bên ta.Đó là tiếng nói của cái tôi đầy kiêu hãnh với khát vọng mãnh liệt lạ lùng, cho thấy tầm vóc của con người muốn vươn lên để có thể ngang tầm với tạo hóa. Thiên đường – mùa xuân ấy mang bao nhiêu vẻ đẹp: Sức sống của vạn vật đều rộn ràng tươi thắm, nảy nở rất trẻ trung: những ngày tháng tuyệt vời nhất của đôi lứa trong tuần tháng mật đầu tiên; trên nền tươi xanh của đồng nội bao la trổ lên những bông hoa tươi thắm; những cành non tơ của mùa xuân với những chiếc lá tươi xanh, xao động nhẹ nhàng trong gió xuân; và khắp không gian từ loài vật đến con người tất cả đều đắm say trong khúc tình si đôi lứa … thật tuyệt vời là buổi sáng mùa xuân, mặt trời lên đem đến nguồn sáng trong lành giống như người thiếu nữ tỉnh giấc nồng, bừng mở cặp mắt thần tiên … những cái chớp mắt đã phát hiện ra muôn vạn ánh hào quang; vì thế cả mùa xuân giống như một thiên đường tươi non tràn ngập sức hấp dẫn:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Theo Xuân Diệu, cứ mỗi ngày xuân mới đến là bắt đầu một đoạn đời vui với bao nhiêu tốt lành sung sướng:

“Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa”

Qua hình ảnh thiên đường ấy Xuân Diệu muốn nói gì? Sao người ta cứ đi tìm bồng lai ở tận đâu đâu, cứ đi tìm cõi cực lạc ở mãi chốn xa xăm nào, trong khi nó ở ngay cuộc sống quanh ta đây, ngay trong giờ phút hiện tại này. Vậy còn chờ gì nữa, hãy yếu mến, hãy gắn bó và sống hết mình với cuộc sống thần tiên ấy. Nhà thơ láy nhiều lần hai chữ “này đây” để tô đậm thái độ trầm trồ, hào hứng trước cái đẹp dồi dào, không kể xiết của vẻ đẹp mùa xuân; qua đó mà nhấn mạnh: Con người cần phải đón nhận ngay, hưởng thụ ngay những vẻ đẹp tươi thắm đó. Thật ra thế giới tươi đẹp này, vườn xuân mơn mởm này đâu phải bây giờ mới có. Nhưng có mà mắt ta không nhìn thấy, thực chất tâm hồn ta không biết quan tâm và rung động, thì có cũng như không. Thi sĩ không tạo ra được thế giới mới, nhưng có cặp mắt mới “cặp mắt xanh non, cặp mắt biếc rờn” … ngơ ngác và đầy vui sướng, Xuân Diệu lần đầu tiên như đã trông thấy sự sống kì diệu của mùa xuân; và nhà thơ nhất thiết phải nói cho hết thảy mọi người đều biết, đều quan tâm, hưởng thụ mùa xuân như mình. Vậy là bằng hình tượng nghệ thuật, nghệ sĩ có thể đua tài với tạo hóa toàn năng, khi sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật phong phú, đầy mĩ cảm. Ở chốn thiên đường ấy, đẹp nhất, đáng yêu nhất là con người trần thế trong tuổi trẻ và tình yêu.Thơ xưa lấy vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp của con người ( khuôn trăng, nét ngài,…). Xuân Diệu đưa ra một tiêu chuẩn khác, ngược lại với quan điểm truyền thống. Theo thi sĩ con người hồng hào mơn mởn giữa tuổi yêu đương là đẹp nhất. Đó mới là chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Đây là ý nghĩa nhân bản độc đáo của mĩ học Xuân Diệu. Nó đã giúp nhà thơ sáng tạo nên những hình ảnh mới mẻ, tràn đầy sức sống của tuổi trẻ và tình yêu. Bài “Vội Vàng” có 2 hình ảnh đặc sắc: Đó là nàng công chúa tỉnh giấc lúc bình minh:

“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”

Bài thơ còn có một hình ảnh độc đáo, đáng gọi là một sáng tạo tuyệt vời”:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”,

Một hình ảnh táo bạo rất Xuân Diệu, một vẻ đẹp rất con người, rất trần thế. Nhưng cũng thật tuyệt mĩ,chỉ có tạo hóa toàn năng mói có thể làm nên được!

Hoài Thanh khi xem Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất” trong phong trào thơ mới, đã rất tinh khi chỉ ra đặc điểm mĩ học mới mẻ của Xuân Diệu “với Thế Lữ, thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai xua ai nấy về hạ giới” (Thi nhân Việt Nam ).

Triết lí sống vội vàng thể hiện một quan điểm nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu. Sống vội vàng nghĩa là sống cao độ, tận hưởng cao độ mỗi giấy phút của tuổi xuân.

Vì sao phải vội vàng? Xuân Diệu đã biện luận, đã lí sự theo một cách rất riêng.

Từ xa xưa, văn chương đã than thở về sự ngắn ngủi của kiếp người ( đời người như bóng câu qua của sổ; ba vạn sáu ngàn ngày lfa mấy … ). Nhưng hồi ấy, con người nói chung vẫn ung dung bình tĩnh, vì cá nhân chưa tách khỏi cộng đồng, con người còn gắn làm một với vũ trụ. Cho nên người chết chưa hẳn là hư vô, trái lại vẫn có thể cùng cộng đồng và trời đất tuần hoàn ( trong dân gian, có quan niệm về sự đầu thai kiếp khác; đoạn “trao duyên” trong truyện Kiều có sự hình dung của Kiều khi chết đi, hồn nàng sẽ hiện về trong gió, đến bên người yêu, “Hồn còn mang nặng lời thề – Nát thân bồ liễu đền ngì trúc mai – Dạ đài cách mặt khuất lời – Rưởi xin chén nước cho người thác oan” … ). Niềm tin ấy còn đâu nữa ở thế hệ các nhà thơ mới thức tỉnh toàn diện và sâu sắc về ý thức cá nhân. Ý thức ấy là gì? Đó là cái khát vọng của con người muốn thoát ra khỏi những lễ nghi, tập tục phong kiến, muốn được sống một cuộc sống tinh thần phong phú và sâu sắc ( Hoài Thanh gọi đó là cái khát vọng được “thành thực”, khát vọng được là chính mình). Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới; cho nên ý thức cá nhân rất cao. Nó trỗi dậy sừng sững:

“Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất

Không có chi bè bạn nổi cùng ta”

và chói lọi:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Cho nên, ở bài “Vội Vàng” nổi bật lên triết lí sống mới mẻ và tích cực: sống “Vội Vàng” .

Thi sĩ ý thức rất rõ về sự trôi chảy của thời gian, cái thời gian một đi không bao giờ trở lại:

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

Mà đời thì hữu hạn, thậm chí rất ngắn ngủi trước thời gian vô cùng và vũ trụ vô biên:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”.

Cho nên Xuân Diệu quyết không để “chờ nắng hạ mới hoài xuân” vì vậy thi sĩ “bâng khuâng tiếc cả đất trời”. Để bênh vực thêm cho “luận thuyết” của mình , nhà thơ còn viện dẫn:

“Con gió xinh thì thào trong lá biếc

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chẳng sợ độ phai tàn sắp sửa?”

Gió đùa trong lá không phải là những âm thanh tươi vui của thiên nhiên, của mùa xuân, mà là lời “thì thào” về nỗi hờn giận, buồn thương. Gió phải chia tay với cây lá mà bay đi; chim chóc trên cây đang ca hát rộn ràng chào xuân bỗng ngừng bặt, chẳng phải có sự đe dọa nguy hiểm nào, mà chỉ vì chúng buồn tiếc cho mùa xuân sắp trôi qua. Thế là chẳng riêng gì Xuân Diệu mà cả vạn vật trong thiên nhiên cũng thức nhận về cái quy luật nghiệt ngã, cái một đi không bao giờ trở lại của thời gian:

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thần tiễn biệt”.

Vậy Xuân Diệu đưa ra một quyết định hợp lí cho mình và muốn cho tất cả mọi người “Không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Vội vàng là điều tất yếu nhưng phải vội vàng theo cách nào? Không thụ động chấp nhận cái phai tàn của sự sống mùa xuân, Xuân Diệu chọn một giải pháp độc đáo đón xuân, hưởng hạnh phúc mùa xuân thật khẩn trương và ngay lập tức (Vội Vàng). Thật ra không phải thi sĩ không đắn đo khi nghĩ tới một giải pháp cố níu giữ thời gian lại ( Tôi muốn tắt nắng đi – Cho màu đừng nhạt mất – Tôi muốn buộc gió lại – Cho hương đừng bay đi ). Nhưng thi sĩ và cả mọi người đều biết ngay là không thể được. Vậy chỉ còn một cách:

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn;

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

– Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi”.

“Ta” là tiếng nói của cái tôi đầy kiêu hãnh, tự chủ. Một câu thơ chỉ có ba chữ “Ta muốn ôm” với giọng thơ rắn chắc thể hiện một ý chí dứt khoát. “Ôm” xem chừng còn lỏng lẻo quá. Tất cả vè đẹp của đời rồi sẽ trôi đi, cho dù con người có dang tay mà ôm chặt lấy. Vì thế, “riết” cho thêm chặt: “Ta muốn riết mây đưa và gió lượn”. “Riết” dù chặt đến mấy, vẫn chỉ là bên ngoài, nên phải chuyển hóa vào bên trong, phải say trong tâm hồn: “Ta muốn say cánh bướm với tình yêu”. “Say” đến thế nào đi chăng nữa thì đối tượng mà ta say vẫn chỉ là một khách thể, nên càng đòi hỏi cao hơn, tức là phải thu hút, phải thâu tóm đối tượng về phía mình: “Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”. “Hôn nhiều” chẳng qua chỉ là một phương tiện, một cách nói về sự thu hút cho đến tận cùng, cho hết mọi vẻ đẹp “mây đưa và gió lượn, cánh bướm với tình yêu”, non nước, trời mây,… chẳng qua chỉ là những hình ảnh mang tính biểu trưng cho những vẻ đẹp của sự sống mơn mởn giữa cuộc đời. Xuân Diệu thể hiện một thái độ tận hưởng đến mức cuồng nhiệt, đến mức tối đa: “Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng – Cho no nê thanh sắc của thời tươi;”. “Chuếnh choáng”, “no nê”, “đã đầy” là những tính từ chỉ mức độ hưởng thụ. Những vật trừu tượng giờ đây cũng hóa thành vật chất cụ thể đến mức có thể “đã đầy”, “no nê”. Cần nhớ, với Xuân Diệu, tất cả mọi vẻ đẹp đều chỉ gắn với “thời tươi”, tức là thời của tuổi xanh đương độ, mơn mởn non tơ, tràn đầy sức sống. Thế mà vẫn chưa hả lòng hả dạ, thi sĩ còn một đòi hỏi quyết liệt hơn: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. “Xuân hồng” là một hình ảnh đa nghĩa nói về mùa xuân đương độ của đất trời với hoa lá non tơ, cũng là tuổi xuân đương độ của mỗi con người, đồng thời có thể là một hình ảnh cụ thể, một dáng xuân tươi trẻ nào đó. “Cắn” tưởng như thô thiển nhưng đầy chất thơ. “Cắn” chẳng qua là sự hưởng thụ cả vật chất lẫn tinh thần – sự hưởng thụ trọn vẹn và sâu sắc. Với tuổi trẻ đừng chỉ soi ngắm mình trong gương mà phải biến tất cả những vẻ đẹp trên đời thành vật chất để mà hưởng thụ. Ngoài ra, “cắn vào ngươi” đặt trong hệ thống của mạch thơ toàn bài, của hành động liên tiếp, của nhân vật trữ tình (ôm, riết, say, thâu) còn là biểu hiện của tâm trạng hoảng hốt trước vẻ đẹp đang trôi đi. Vì thế, phải “cắn” để mà giữ lấy! Trong tình yêu lứa đôi, người ta thường đi tìm sự hòa đồng đến tuyệt đích, đến vô biên giữa hai cá thể. Cho nên “cắn vào ngươi” là đòi hỏi được hóa thân trong tình yêu. Đây là một cách dùng từ hết sức táo bạo và đầy sáng tạo của Xuân Diệu. Phải dùng từ như thế mới nói hết được khát vọng sống mạnh mẽ đến ham hố, đến cuồng nhiệt của con người.

“Vội Vàng” là sự thể hiện cái nhìn về thời gian và sự sống của Xuân Diệu. Bài thơ có thể coi là bức tranh nhân sinh mới, tiến bộ của Xuân Diệu. “Vội Vàng” vì thế cũng là một lời khuyên với mỗi người đọc, nhất là tuổi trẻ, phải làm cho tuổi xuân của mình trở nên có ý nghĩa, đừng để cho nó trôi đi trong sự hoài phí. Tuổi xanh rồi sẽ qua đi (Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại) nhưng nếu chỉ biết vội vàng tận hưởng mà chẳng biết làm gì để có sự tận hưởng đó, làm gì để góp cái có ích cho đời thì lại là một thái độ sống tiêu cực., lối ống ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa. Mà Xuân Diệu thì “cả cuộc đời luôn luôn học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo vừa là một quyết tâm khắc khổ, một lẽ sống, một niềm say mê lớn”.

Về nghệ thuật: Bài “Vội Vàng” có được sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc dồi dào ( thiên đường mùa xuân trên mặt đất, lòng yêu đời ham sống của nhà thơ ) và mạch triết luận sâu sắc ( đẹp nhất không phải cõi tiên mà là cõi trần trong tuổi trẻ và mùa xuân; thời gian qua mau, tuổi trẻ ngắn ngủi vì thế phải “vội vàng” tận hưởng – phải “cắn” vào “xuân hồng” … ).Thể hiện hai chủ đề lòng yêu đời, yêu cuộc sống và một quan niệm sống mới mẻ, Xuân Diệu đã chọn được những hình thức mới lạ cho thơ. Thể thơ tự do ( bốn chữ, tám chữ có khi một câu ba chữ ) thích hợp với mạch cảm xúc và triết luận của bài. Giọng thơ nhiệt thành hào hứng càng nổi bật lòng ham sống của thi nhân. Đặc biệt là những sáng tạo của hình ảnh ( câu 5 đến câu 10, câu 25 đến câu 28 ) khiến cho lời thơ tràn đầy sự sống và cảm xúc. Có những ý thơ rất lạ lùng ( 4 câu đầu ) và những hình ảnh rất Xuân Diệu ( Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần/ Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi ) càng làm nổi bật cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

28 tháng 3 2016

cái này sao k giống phân tích nghệ thuật lắm vậy b :(

13 tháng 9 2023

Tham khảo!

"Thương vợ" là một trong những bài thơ mà Tú Xương vận dụng một cách rất sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian.

Về hình ảnh: Trong ca dao, hình ảnh con cò có khá nhiều ý nghĩa: có khi nói về thân phận người phụ nữ lam lũ, vất vả, chịu thương chịu khó; có khi lại tượng trưng cho thân phận người lao động với nhiều bất trắc thua thiệt.

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Hay:

Con cò mày đi ăn đêm
Nhẵm phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Như thế, con cò trong ca dao vốn đã gợi nhiều cay đắng, xót xa. Song dường như ứng vào nhân vậ cụ thể là bà Tú thì nó lại càng gợi sự xót xa, tội nghiệp nhiều hơn. Hơn thế nữa so với từ "con cò" trong ca dao thì từ "thân cò" của Tú Xương mang tính khái quát cao hơn, đó như thân phận của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình, hi sinh tất cả vì chồng vì con. Do vậy, mà tình yêu thương của Tú Xương cũng thấm thía và sâu sắc hơn.

Về từ ngữ: Thành ngữ "năm nắng mười mưa" được vận dụng một cách rất sáng tạo.Cụm từ "nắng mưa" chỉ sự vất vả. Các từ năm, mười là số lượng phiếm chỉ, để nói số nhiều, được tách ra rồi kết hợp với "nắng, mưa" tạo nên một thành ngữ chéo. Hiệu quả của nó vừa nói lên sự vất vả, gian lao, vừa thể hiện đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng con của bà Tú.Bên cạnh đó chủ đề “Duyên nợ” trong ca dao cũng được tác giải sử dụng sáng tạo “một duyên hai nợ” muốn nhấn mạnh rằng duyên phận vợ chồng như số phận trời sắp đặt, tình nghĩa vợ chồng vì vậy cũng gắn bó hơn.

24 tháng 12 2023

Tham khảo

Bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, vừa có giá trị về nội dung sâu sắc, vừa mang đến những hình ảnh và ngôn ngữ tinh tế, độc đáo.

Về nội dung, bài thơ "Tiếng chổi tre" mang thông điệp về sự quyết tâm và ý chí kiên cường của con người Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày. Tác giả đã sử dụng hình ảnh chổi tre - một công cụ lao động đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, để tả sự cần cù, bền bỉ và không ngừng cố gắng của người lao động. Bài thơ thể hiện lòng tự hào và tình yêu quê hương, khơi gợi sự tận tụy và sự hy sinh của người dân Việt Nam trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Hình thức nghệ thuật của bài thơ cũng rất đặc sắc. Tố Hữu đã sử dụng các hình ảnh và ngôn ngữ tươi sáng, sống động để tạo nên một không gian thơ mộng và sâu lắng. Những câu thơ ngắn gọn, nhịp điệu nhẹ nhàng và âm điệu trôi chảy của bài thơ tạo nên một cảm giác như tiếng chổi tre vỗ nhẹ, êm ái. Tác giả cũng sử dụng các từ ngữ và biểu đạt hình ảnh tinh tế, như "tiếng chổi reo rắc", "màu xanh lá", "đàn chim hát ríu rít", để tạo nên một bức tranh sống động về cuộc sống quê hương.

Ngoài ra, bài thơ còn mang đậm chất nhân văn và tình cảm. Tố Hữu đã tận dụng hình ảnh chổi tre để kết nối con người với thiên nhiên, gợi lên tình yêu và lòng biết ơn đối với môi trường xung quanh. Bài thơ khơi gợi sự nhìn nhận và trân trọng những giá trị đơn giản nhưng quan trọng trong cuộc sống, đồng thời khuyến khích mọi người sống tích cực và đóng góp cho xã hội.

Tổng kết, bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa nội dung sâu sắc và hình thức nghệ thuật tinh tế. Bài thơ mang đến thông điệp về sự quyết tâm và ý chí kiên cường của con người Việt Nam, đồng thời khơi gợi tình yêu và lòng biết ơn đối với cuộc sống và môi trường xung quanh.

9 tháng 2 2019

Đặc sắc trong truyện Tấm Cám khắc họa được hình tượng Tấm, kiểu nhân vật chức năng

   + Ban đầu, Tấm thụ động, yếu đuối, thường chỉ khóc, luôn bị hà hiếp, bắt nạt (lúc mất giỏ cá, lúc mất con bống, lúc bị bắt ngồi nhặt thóc, Tấm bị phụ thuộc vào thế lực bên ngoài.

- Giai đoạn sau, Tấm kiên quyết đấu tranh để giành lấy cuộc sống hạnh phúc (chim vàng anh, khung cửi…). Tấm biết tự mình đấu tranh

- Tấm dần ý thức được thân phận của mình, những mâu thuẫn căng thẳng được giải quyết bằng đấu tranh. Như vậy có sự phát triển trong hành động, ý thức của nhân vật, điều này khẳng định sức sống bất diệt của con người trước sự vùi dập của các thế lực thù địch

  Bài thơ "Qua đèo Ngang" là một bài thơ đã đạt đến chuẩn mực trong việc sử dụng thể thơ Đường luật. Đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được sử dụng khéo léo và tinh tế. Qua bức tranh cảnh vật đèo Ngang lúc chiều tà rộng lớn nhưng hoang vắng đìu hiu, ta cảm nhận được nỗi cô đơn vắng lặng trong tâm hồn con người đang đối diện với thiên nhiên. Kết hợp với đó là nghệ thuật đảo ngữ và từ láy được sử dụng một cách đắc địa. Từ láy “lom khom”, “lác đác” với nghệ thuật đảo ngữ tăng thêm sự nhỏ bé của bóng hình con người và sự thưa thớt, hoang vắng của cảnh vật. Ta có thể cảm nhận được cảm xúc buồn thương ập tới tràn vào trong tâm can của bà Huyện Thanh Quan. "Qua đèo Ngang" là một thi phẩm xuất sắc để lại trong người đọc những cảm xúc khó quên, thấm thía nỗi buồn man mác, sự cô đơn, lẻ loi của nhà thơ giữa cuộc đời, giữa thiên nhiên rộng lớn dưới nét bút nghệ thuật sáng tạo. 

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
26 tháng 11 2023

Đề 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện.

Bài viết tham khảo

     Văn bản Lời má năm xưa là một trong những văn bản hay và đầy ý nghĩa khi nói về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

     Văn bản gợi lại câu chuyện tuổi ấu thơ của một chàng trai khi còn là một cậu bé đã lỡ bắn một con chim thằng chài bên bến sông. Nhờ có sự khuyên bảo của má, anh đã vớt nó về, băng bó chữa trị vết thương rồi cố gắng cứu sống nó, nhưng sự áy náy và ân hận về hành động này vẫn còn và đi theo anh đến mãi sau này. Từ chi tiết đó ta thấy được sự giáo dục của những người lớn trong gia đình là vô cùng quan trọng. Người mẹ chính là người đã cứu sống chú chim chài một cách gián tiếp. Nhờ lời nói và sự thấu hiểu, tình yêu thương và lòng vị tha bao dung bà đã giúp con mình hiểu rằng cần phải yêu thương và quý mến các loài vật trên cuộc sống này dù là những loài nhỏ bé nhất

     Văn bản không chỉ mang tới những giá trị đặc sắc về mặt nội dung mà còn sâu sắc về cả phương diện nghệ thuật. Văn bản bộc lộ tâm trạng ăn năn, hối hận và day dứt của nhân vật “tôi” khi nhớ lại hành động mình đã làm với chú chim thằng chài, từ đó cho thấy cậu bé là một người giàu tình cảm, giàu lòng trắc ẩn và lương thiện. Qua văn bản tác giả cũng cung cấp cho người đọc thông tin về loài chim thằng chài (chim bói cá) một loài chim với nhiều phẩm chất tốt đẹp biết hi sinh và giúp đỡ đồng loại, biết tự lập từ rất sớm. Tác giả đã khắc họa hình ảnh người má của nhân vật tôi (người đã thực sự cứu sống chú chim thằng chài trong cơn nguy kịch) với sự lương thiện, thông minh, sâu sắc và thấu hiểu của một người mẹ đã thức tỉnh đứa con ngây dại của mình. Qua đó cho thấy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên là mối quan hệ gần gũi, gắn bó thân thiết và khuyến khích con người nên biết gìn giữ, bảo vệ môi trường

     Có thể thấy văn bản Lời má năm xưa là một văn bản hay có giá trị về cả phương diện nội dung và nghệ thuật.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
26 tháng 11 2023

Đề 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một màn kịch mà bạn đã học hoặc đã đọc.

Bài viết tham khảo

     Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật chèo nói riêng và của nghệ thuật kịch hát Việt Nam nói chung. Sự đặc sắc của Thị Mầu lên chùa là sự đặc sắc đến từ chủ đề, nội dung và hình thức nghệ thuật biểu hiện.

     Cái hay trong chủ đề của trích đoạn Thị Mầu lên chùa nằm ở chỗ, Thị Mầu đã say mê và tìm cách ve vãn tiểu Kính Tâm. Nghĩa là, giữa lề lỗi, lễ giáo phong kiến đè nặng lên người con gái, lại có một Thị Mầu dám khát vọng và thể hiện tình yêu của mình ra bên ngoài. Thị Mầu chính là một sự đặc sắc, sự đối lập với Thị Kính. Cái hay nữa ở đây là, Thị Mầu lại đi thích tiểu Kính Tâm! Thật ngược đời, tréo ngoe. Nhưng dù tréo ngoe như vậy thì trích đoạn này cũng tràn đầy sự vui vẻ, đặc sắc so với những màn khác trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Quan điểm của tác giả dân gian, như một cách để cởi trói cho người phụ nữ trong lễ giáo phong kiến, khỏi những lề lối của vòng cương tỏa, đã được gửi gắm qua nhân vật Thị Mầu.

     Nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật của trích đoạn này được thể hiện rõ nhất chính là ở sự biểu hiện. Nói cách khác là nghệ thuật sân khấu. Nếu chỉ soi xét về kịch bản của Thị Mầu lên chùa, ta sẽ thấy được những điểm đáng chú ý. So với nghệ thuật Tuồng, ngôn ngữ trong Chèo dễ hiểu hơn, gần gũi với tiếng nói của nhân dân. Đó là những lời nói, điệu hát mà có thể sử dụng, chèn thêm được cả lục bát, mang nặng tâm tình người Việt.

     Cái hay của chèo còn khác biệt với kịch nói ở chỗ đó là có những tiếng đế. Tiếng đế này là sự tương tác của khán giả, là một sự cộng hưởng, cùng tác giả. Giới hạn giữa sân khấu và khán giả ở đây bị thu hẹp. Trong khi đó, ở kịch nói mà cụ thể là ảnh hưởng từ phương Tây, khán giả không được quyền lên tiếng, đồng sáng tạo với vở kịch diễn. Điều này cũng đã được thể hiện trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa.

     Có thể thấy, những nét đặc sắc trong nghệ thuật chèo đã được thể hiện khá rõ trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa. Những sự đặc sắc ấy đến từ chủ đề nghe có phần trái ngược (một cô gái đi ve vãn chú tiểu), đến từ sự biểu hiện của loại hình kịch hát. Kịch nói là sự ảnh hưởng, du nhập của phương Tây trong quá trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Thế nhưng, kịch hát vẫn có những hấp dẫn riêng, không chỉ vì đó là cái truyền thống, mà còn ở chính nghệ thuật của nó.