(4.0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
“Blaze Star” có thể sớm bùng nổ và xuất hiện trên bầu trời
Thời gian đang đếm ngược đối với hệ sao T Coronae Borealis, khi chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nó phát nổ trong một luồng ánh sáng rực rỡ có thể nhìn thấy từ Trái Đất.
Dù các nhà thiên văn học chưa thể xác định chính xác thời điểm hiện tượng ngoạn mục này xảy ra, họ cho rằng hệ sao có biệt danh là “Ngôi sao Rực cháy” (Blaze Star) này có khả năng sẽ bùng nổ vào cuối năm 2025.
Chu kì bùng nổ của T CrB
T Coronae Borealis (T CrB) là một nova nằm cách Trái Đất khoảng 3.000 năm ánh sáng, trong chòm sao Corona Borealis (Vương miện phương Bắc). Hệ này bao gồm hai sao có quỹ đạo quanh nhau. Một trong hai sao này là một là sao lùn trắng - cái lõi nóng và đặc còn sót lại sau khi một ngôi sao có khối lượng thấp hoặc trung bình cạn kiệt nhiên liệu và gần kết thúc vòng đời. Ngôi sao còn lại là một sao khổng lồ đỏ - giai đoạn trước của sao lùn trắng khi vỏ sao phồng to bởi phản ứng nhiệt hạch của các lớp gần bề mặt, trước khi vỡ ra và để lại cái lõi là sao lùn trắng.
Tương tác giữa hai ngôi sao này tạo ra một phản ứng dữ dội khiến độ sáng của toàn bộ hệ sao tăng vọt trong một khoảng thời gian ngắn. Khi sao khổng lồ đỏ bắt đầu đánh mất các lớp vật chất bên ngoài, sao lùn trắng sẽ hút lấy lượng hydro thoát ra và bồi tụ nó trên bề mặt của mình. Điều này gây ra sự gia tăng về áp suất và nhiệt độ, và cuối cùng ngôi sao đạt đến điểm giới hạn, dẫn đến một vụ nổ nhiệt hạch.
Khung cảnh của một nova như thế này là điều mà hầu hết mọi người trên Trái Đất chỉ có thể được chứng kiến một lần trong đời. Đó là bởi vì T CrB là một nova tái phát, nghĩa là nó trải qua chu kỳ trong đó sao lùn trắng nhận vật chất từ sao đồng hành, bùng nổ, rồi quá trình đó lại lặp lại (các nova thường không phá hủy hoàn toàn sao lùn trắng).
Chờ đợi 80 năm cho một nova
T CrB lần đầu được phát hiện vào năm 1866 bởi nhà thiên văn học người Ireland John Birmingham, nhưng phải đến đợt nova tiếp theo vào năm 1946, các nhà thiên văn học mới nhận ra rằng nó chỉ xuất hiện khoảng 80 năm một lần. Dựa trên chu kỳ đó, hiện nay chúng ta đã bước vào thời kỳ T CrB có thể bùng nổ trở lại bất cứ lúc nào.
Các dấu hiệu cho thấy vụ nổ đang đến gần bắt đầu xuất hiện từ năm 2016 khi ngôi sao này sáng lên rõ rệt. Đến tháng 4 năm 2024, Hiệp hội Quan sát Sao Biến Quang Hoa Kỳ đã công bố một sự sụt giảm độ sáng đáng chú ý.
Chuỗi sự kiện này - khoảng một thập kỷ tăng dần độ sáng trước khi đột ngột sụt giảm ngay trước khi nổ - lặp lại đúng quá trình đã xảy ra trước đợt nova năm 1946. Dựa vào đó, các nhà khoa học ban đầu dự đoán nova sẽ xảy ra từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu năm 2024. Tuy nhiên, năm 2024 đã trôi qua và T CrB vẫn rất yên ắng.
Thực tế là, các nova như T CrB vốn không thể đoán trước chính xác và không tuân theo một lịch trình cố định. Những biến động về độ sáng cho thấy vụ nổ có thể xảy ra bất kỳ ngày nào, nhưng rất khó để xác định chính xác. Dù vậy, các nhà thiên văn vẫn tin rằng hiện tượng này sẽ xảy ra trong năm 2025 và họ đang tiếp tục theo dõi kỳ sao lùn trắng này để nắm bắt mọi diễn biến mới.
T CrB sẽ xuất hiện ở đâu?

Hình: Vị trí của T CrB theo mô tả của Space.com.
Từ góc nhìn trên Trái Đất, nova này sẽ xuất hiện dưới dạng một ngôi sao mới trên bầu trời đêm (nhưng không làm bầu trời sáng thêm như một số tờ báo có thể phóng đại quá lố). Tuy nhiên, nó sẽ chỉ tồn tại trong vài ngày trước khi lại mờ đi, vì vậy những người yêu thích bầu trời đêm nên chuẩn bị sẵn sàng.
Ngôi sao này sẽ hiện lên giữa hai chòm sao Hercules và Bootes. Một cách khác để xác định vị trí của nó là vẽ một đường thẳng tưởng tượng từ Arcturus đến Vega - hai trong số những ngôi sao sáng nhất ở bán cầu bầu trời phía Bắc. Chòm sao Corona Borealis nằm gần như ngay giữa đường thẳng này, và T CrB sẽ phát sáng ngay bên cạnh chòm sao ấy.
(Bryan, theo Discover Magazine, đăng trên thienvanvietnam.org, ngày 24/03/2025)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Đối tượng thông tin của văn bản trên là gì?
Câu 3. Phân tích hiệu quả của cách trình bày thông tin trong đoạn văn: “T CrB lần đầu được phát hiện vào năm 1866 bởi nhà thiên văn học người Ireland John Birmingham, nhưng phải đến đợt nova tiếp theo vào năm 1946, các nhà thiên văn học mới nhận ra rằng nó chỉ xuất hiện khoảng 80 năm một lần. Dựa trên chu kỳ đó, hiện nay chúng ta đã bước vào thời kỳ T CrB có thể bùng nổ trở lại bất cứ lúc nào.”.
Câu 4. Mục đích và nội dung của văn bản trên là gì?
Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.